Từ khung hình phạt đến số phận con người : Góc nhìn từ một vụ án dâm ô
Tóm tắt vụ án ;
Vào đầu năm 2020, bị hại là một bé gái sinh năm 2008 sống cùng mẹ và cha dượng là anh H tại một căn nhà ở quận Đống Đa, Hà Nội. Trong quá trình sinh sống, người cha dượng đã nhiều lần có hành vi dâm ô đối với bé gái. Các hành vi này xảy ra nhiều lần tại các địa điểm khác nhau, bao gồm nơi ở chính của gia đình, nhà thuê ở quận Cầu Giấy và quận Ba Đình. Trong các lần này, anh H thường lợi dụng lúc bé gái đang ngủ hoặc ở một mình để tiếp cận và thực hiện hành vi xâm hại. Bé gái đã nhiều lần phản kháng, nhưng đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi trong một thời gian dài.
Đến tháng 9/2024, người thân cùng bé gái đã trình báo sự việc với cơ quan công an. Nhận thấy hành vi sai phạm của mình, biết người thân bé gái đã làm đơn tố giác, anh H đã đầu thú về hành vi phạm tội của mình. Viện kiểm sát đã truy tố bị cáo là anh H về tội danh liên quan đến hành vi xâm hại trẻ em dưới 16 tuổi theo quy định của Điều 146 Bộ luật Hình sự. Trong phiên sơ thẩm, bị cáo thành khẩn khai báo, phù hợp với các chứng cứ trong hồ sơ vụ án.
Hội đồng xét xử TAND quận đã xem xét toàn diện vụ việc, nhận định bị cáo có hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây tổn hại nghiêm trọng đến thể chất và tinh thần của bị hại. Căn cứ vào quy định pháp luật, tòa án đã tuyên xử phạt bị cáo 5 năm 6 tháng tù thời hạn tính từ ngày 30/9/2024 đối với hành vi phạm tội của bị cáo.
Nhận định :
Có thể nói các vụ án liên quan đến hành vi dâm ô đối với trẻ em dưới 16 tuổi không còn là quá xa lạ đối với quần thể đại chúng. Tuy nhiên mỗi vụ án lại có những khúc mắc riêng, những tình tiết riêng mà người Luật sư luôn phải nỗ lực để đem ra ánh sáng, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình.
Dưới góc nhìn của Luật sư chúng tôi, việc áp dụng mức hình phạt cần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật nhưng đồng thời cũng phải xét đến yếu tố nhân đạo và chính sách khoan hồng đối với người phạm tội.
Trong trường hợp của anh H, rõ ràng hành vi phạm tội là không thể chối cãi, nhưng việc xem xét các tình tiết giảm nhẹ một cách đầy đủ và toàn diện là điều kiện tiên quyết để bảo đảm tính công bằng trong xét xử.
Với mức án 5 năm 6 tháng tù giam, gần tiệm cận mức cao nhất của khung hình phạt tại Khoản 2 Điều 146 BLHS 2015, có thể thấy Hội đồng xét xử Sơ thẩm đã cân nhắc yếu tố răn đe xã hội nhưng chưa thật sự đánh giá một cách toàn diện các tình tiết giảm nhẹ như đã nêu trong bản án. Dường như Tòa án chỉ đang lượng hình đưa ra quyết định về thời hạn tù giam chứ chưa thực sự công tâm để đưa ra một phán quyết hợp lý, hợp tình nhất. Điều này đặt ra vấn đề về tính linh hoạt trong áp dụng pháp luật hình sự, liệu rằng pháp luật đã tạo đủ dư địa để cá thể hóa hình phạt hay chưa, nhất là trong các vụ án có yếu tố hoàn cảnh đặc biệt như trường hợp của anh H.
Từ góc độ thực tiễn xét xử, việc kháng cáo của gia đình bị cáo là hoàn toàn hợp lý khi xét đến hoàn cảnh kinh tế, nhân thân, cũng như việc bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tự giác đầu thú. Trong quá trình xét xử Phúc thẩm, Luật sư thực tế đã nhấn mạnh hơn nữa về yếu tố hoàn cảnh gia đình, đặc biệt gia đình bị cáo là người có công với cách mạng, đồng thời là việc bị cáo là trụ cột duy nhất trước đây của gia đình. Rõ ràng, thực tiễn cho thấy mức hình phạt đã tuyên có thể ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai của gia đình bị cáo, đặc biệt là khi 2 đứa con thơ đang đối mặt với bệnh hiểm nghèo cần sự săn sóc của cha mẹ ở bên.
Xem xét trên tinh thần hướng thiện và tái hòa nhập xã hội, việc giảm nhẹ mức hình phạt xuống tối thiểu 3 năm tù giam như Luật sư đã đề nghị vẫn phù hợp, vẫn đảm bảo yếu tố răn đe giáo dục nhưng cũng tạo điều kiện để bị cáo sớm trở lại chuộc lỗi và thực hiện trách nhiệm làm cha.
Nguồn : Văn phòng Luật sư Hoàng Phát
P/s : Bài viết được xây dựng dựa trên các nguồn tài liệu tại thời điểm thực hiện, mang tính tham khảo và trao đổi chuyên môn.