• Hotline: 0878198555
  • Email: luathoangphat@gmail.com

Thách thức đối với việc bảo hộ quyền tác giả trong môi trường số (Phần cuối)


III. Bảo hộ quyền tác giả trong môi trường số: Thách thức và giải pháp

Kỹ thuật số, công nghệ số mang đến cơ hội mới trong các thức thể hiện tác phẩm, đồng thời đã làm thay đổi cách thức lưu giữ tác phẩm, bản ghi âm, chương trình phát sóng, dạng vật chất chứa đựng tác phẩm thay đổi. Ngoài ra, với những thành tựu sáng tạo của công nghệ thông tin, con người có thể tiếp cận, khai thác, sử dụng dễ dàng các nguồn thông tin.

Sự hình thành và phát triển của pháp luật về quyền tác giả nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung luôn gắn chặt với sự phát triển của khoa học và công nghệ. Môi trường số tạo cơ hội cho người sử dụng tiếp cận các tác phẩm nhanh nhất, đồng thời cũng làm gia tăng quy mô của hoạt động sao chép, vi phạm quyền tác giả. Mặc dù pháp luật Việt Nam hiện hành về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ quyền tác giả trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như yêu cầu thực tiễn của Việt Nam, nhưng trên thực tế tình trạng xâm phạm quyền tác giả trong môi trường số tại Việt Nam hiện nay vẫn còn ở mức độ rất phổ biến.

Hành vi xâm phạm quyền tác giả nói chung, trên môi trường số nói riêng diễn ra đối với tất cả các loại hình tác phẩm, từ tác phẩm văn học, khoa học đến tác phẩm điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, chương trình máy tính… Các hành vi xâm phạm quyền cũng rất đa dạng, từ xâm phạm quyền tài sản như quyền sao chép, quyền truyền đạt, phân phối tác phẩm đến quyền nhân thân như quyền công bố tác phẩm, quyền bảo vệ sự vẹn toàn của tác phẩm… Các hành vi xâm phạm ngày càng tinh vi hơn với việc khai thác sự phát triển của công nghệ. Tuy nhiên, đây không phải là tình trạng cá biệt ở Việt Nam mà còn là tình trạng chung tại rất nhiều quốc gia. Ví dụ tại Hàn Quốc, trong năm 2011, có khoảng 2,7 tỉ nội dung các loại hình sao chép lậu (online và truyền thống), thất thoát khoảng 2,400 tỉ won. Trong năm 2013, chỉ riêng việc sao chép lậu online đã chiếm khoảng 4000 tỉ won.

Có rất nhiều lý do giải thích cho tình trạng trên. Đầu tiên phải kể đến là sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các thiết bị cho phép truy cập mạng Internet đã khiến cho việc truyền tải, sao chép các tác phẩm trở nên rất dễ dàng. Sau đó là thói quen “dùng chùa” và ý thức không tôn trọng pháp luật sở hữu trí tuệ của đại bộ phận người dân. Năng lực chuyên môn và sự thiếu hụt về nhân lực, về cơ sở vật chất và điều kiện kỹ thuật trong các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng là một trong những yếu tố làm cho việc thực thi quyền tác giả nói riêng, quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam nói chung còn nhiều hạn chế. Các chủ thể quyền chưa có ý thức bảo vệ quyền của mình. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp pháp luật chưa thực sự bắt kịp được với sự phát triển của công nghệ, chưa thực sự bảo hộ hiệu quả quyền tác giả trong môi trường số.

  1. Thách thức đối với việc bảo hộ quyền tác giả trong môi trường số

Khác với việc bảo hộ quyền tác giả trên các phương tiện nghe nhìn khác, quyền tác giả trong môi trường số thật sự là một thách thức to lớn đối với cả tác giả lẫn các cơ quan quản lý nhà nước về công tác bảo hộ, bởi lẽ môi trường số là một môi trường “ảo” thông qua mạng internet và các trình duyệt web khác.

*Hành vi xâm phạm quyền tác giả trong môi trường số rất khó để xác định

Hành vi xâm phạm quyền tác giả rất phổ biến trong thực tế, dễ thực hiện nhưng chủ sở hữu quyền tác giả lại rất khó phát hiện do đặc thù của bản quyền là việc nhân bản rất dễ dàng mà không hề ảnh hưởng đến quyền sử dụng, khai thác tác phẩm của chủ sở hữu quyền, đôi khi chính chủ sở hữu quyền cũng không biết quyền tác giả của mình đã bị xâm phạm.

Đồng thời, do đặc tính vô hình của quyền tác giả và phạm vi gần như vô hạn của internet, kẻ xâm phạm bản quyền trên môi trường số, môi trường internet rất dễ dàng xóa dấu vết và bằng chứng xâm phạm khiến cho việc xử lý rất khó khăn, ví dụ việc xóa hay rút một bài viết, một video clip xâm phạm bản quyền có thể thực hiện trong vài giây ngay sau khi họ bị phát hiện khiến việc thu thập bằng chứng xâm phạm cho việc xử lý sẽ vô cùng khó khăn. Bùng nổ internet, các trang web được tạo nên ngày càng nhiều, thường xuyên xuất bản các tác phẩm được bảo vệ quyền tác giả mà chưa có sự cho phép của chủ thể, quảng cáo và kinh doanh một các công khai các sản phẩm giá rẻ vi phạm quyền sở hữu về nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp….. Trong khi đó, việc kiểm soát các hành vi vi phạm gặp rất nhiều vướng mắc do cơ quan quản lý khó xác định được tổ chức và cá nhân vi phạm, khó thu thập chứng cứ về yếu tố xâm phạm và xác định giá trị hàng hóa xâm phạm. Có trường hợp cơ quan chức năng tìm đến địa chỉ đăng ký thông tin trên mạng, nhưng đến nơi thì mới biết địa chỉ là giả, hoặc đối tượng đã chuyển đi chỗ khác hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh trong môi trường thương mại điện tử nhưng không có sự hiện diện thương mại ở Việt Nam…..

*Hành vi xâm phạm quyền tác giả vô cùng dễ dàng do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ

Khoa học công nghệ phát triển thuận lợi cho việc chuyển đổi, lưu trữ và sao chép. Hành vi xâm phạm, vi phạm bản quyền vô cùng dễ dàng và nhanh chóng do sự phát triển như vũ bão của công nghệ in ấn, công nghệ sao chép, công nghệ lưu trữ và công nghệ truyền dẫn dưới dạng văn bản hoặc dưới dạng kỹ thuật. Với cuộc cách mạng công nghệ thông tin ngày nay, việc sao chép (copy), cắt, ghép tác phẩm trái phép, chiếm đoạt, mạo danh, chiếm đoạt tác phẩm bản quyền trên môi trường số qua máy tính (PC) hoặc điện thoại thông minh được thực hiện nhanh chóng với nhiều công nghệ và ứng dụng hỗ trợ người xâm phạm.

*Thủ tục thực thi bảo hộ quyền tác giả thường rất khó khăn, phức tạp và gây tốn kém nhưng không đủ tính răn đe

Vì thủ tục thực thi bảo hộ quyền tác giả thường phức tạp gây tốn kém về thời gian, chi phí tài chính trong khi mức phạt, bồi thường thu lại có thể chưa tương xứng hoặc bù đắp được thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, nên chủ sở hữu tác phẩm bản quyền và quyền liên quan chưa tích cực và chủ động tiến hành việc thực thi bảo hộ, chống lại hành vi xâm phạm quyền tác giả của mình, làm cho tình trạng vi phạm quyền tác giả ngày càng phổ biến.

*Kiến thức và ý thức pháp luật của người dân về bản quyền tác giả chưa cao

Có một thực tế là hiện nay, có rất nhiều người vi phạm quyền tác giả trên môi trường số nhưng lại không nhận thức được hành vi vi phạm của mình. Do kiến thức và ý thức pháp luật về bản quyền tác giả chưa cao, không biết đâu là hành vi xâm phạm bản quyền nên họ có thể thực hiện hành vi xâm phạm bản quyền mà không biết. Bên cạnh đó, nhu cầu văn hóa, xã hội của mỗi người rất đa dạng và khác nhau, nhưng điều kiện kinh tế xã hội còn thấp hoặc không thể đáp ứng được, điều này đã vô tình làm thúc đẩy các hành vi xâm phạm quyền tác giả diễn ra phổ biến và thường xuyên hơn.

  1. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi bảo hộ quyền tác giả trong môi trường số hiện nay

Trước những thách thức và khó khăn như đã nêu trên, xin phép được đề ra một số giải pháp dưới đây nhằm nâng cao hiệu quả thực thi bảo hộ quyền tác giả, góp phần giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng xâm phạm bản quyền trên thực tế:

Thứ nhất, là xây dựng hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ hiệu quả hơn nữa. Theo đó, Nhà nước cần đầu tư đúng mức để nâng cao chất lượng bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam nói chung và bảo hộ quyền tác giả nói riêng trên thực tế như: Đầu tư cho việc đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ quan đăng ký và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả; Cải cách hệ thống pháp luật, tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ, Toà án … sao cho pháp luật sở hữu trí tuệ vừa bảo hộ được quyền của chủ sở hữu quyền và vừa là công cụ thúc đẩy sáng tạo của các tổ chức, cá nhân. Ví dụ, cần xem xét để sửa đổi các quy định về bằng chứng chứng minh thiệt hại, cần thông thoáng hơn nữa để chủ thể sở hữu quyền thấy được biện pháp này là khả thi, có thể bù đắp thiệt hại của mình nhằm chủ động tiến hành biện pháp xử lý hành vi xâm phạm tại tòa án. Đồng thời, áp dụng thủ tục xét xử nhanh gọn đối với các vụ việc xâm phạm bản quyền có bằng chứng rõ ràng để rút ngắn thời gian tố tụng tại Tòa.

Thứ hai, nâng cao năng lực tự bảo vệ quyền của chính chủ thể sở hữu quyền. Các tổ chức, cá nhân cần chủ động đăng ký bảo hộ quyền của mình tại Cục bản quyền tác giả để có căn cứ pháp lý hỗ trợ việc xử lý xâm phạm nhanh chóng; Chủ động tuyên bố quyền sở hữu của mình trên tác phẩm, đầu tư công cụ bảo mật tác phẩm ví dụ bán, phân phối tác phẩm qua App/ứng dụng điện thoại, làm công cụ bảo mật gắn vào từng tác phẩm, phân phối tác phẩm qua các công ty công nghệ truyền thông có bản quyền như Sportify, Netflix, Youtube, các hãng phim, hãng truyền hình….; Chủ động quảng bá, phổ biến các tác phẩm của mình đến công chúng và thông tin đầy đủ cho người tiêu dùng/khách hàng, công chúng biết các hành vi xâm phạm, cách phân biệt tác phẩm gốc (chính thức có bản quyền) và các tác phẩm xâm phạm quyền, hậu quả pháp lý đối với hành vi xâm phạm quyền để người dùng biết và chọn dùng tác phẩm có bản quyền. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân cần có kế hoạch đóng góp vào việc phối hợp với các Cơ quan quản lý Nhà nước để phổ biến, giáo dục pháp luật sở hữu trí tuệ và nâng cao ý thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền cho người dân và học sinh hoặc thông qua các dự án phổ biến về tác phẩm cũng như trao đổi về pháp luật bản quyền, quyền liên quan, chủ động phát hiện và phối hợp với cơ quan thực thi quyền để xử lý triệt để và ngay lập tức hành vi xâm phạm bản quyền.

Thứ ba, tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân. Tích cực đổi mới, xây dựng các chương trình để pháp luật được phổ biến rộng rãi, có hiệu quả trên thực tế.

Hơn hết, bên cạnh các giải pháp được đề ra, một yếu tố quan trọng có phần quyết định đến hiệu quả bảo hộ quyền tác giả trên thực tế đó chính là sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ với các chủ thể sở hữu quyền tác giả và công chúng.

Với tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, sự xuất hiện của Internet đã hình thành một môi trường đặc biệt – môi trường số – làm cho việc bảo hộ quyền tác giả khó khăn và phức tạp hơn. Môi trường kỹ thuật số giúp cho việc sao chép, tải về máy cá nhân một cách bất hợp pháp dễ dàng hơn, vì vậy gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu quyền tác giả nhiều hơn. Pháp luật Việt Nam về vấn đề này vẫn cần được tiếp tục hoàn thiện. Việc nghiên cứu kinh nghiệm các quốc gia khác về Quyền tác giả và Internet – môi trường kỹ thuật số – cho phép chúng ta có một cái nhìn tổng quát hơn về các chế định cũng như các biện pháp để tăng cường bảo hộ quyền tác giả trong bối cảnh mới. (Hết).

(Bài viết này thuộc về Văn phòng Luật sư Hoàng Phát, vui lòng trích nguồn khi sử dụng. Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Mọi ý kiến thắc mắc về bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail luatsuhoangphat@gmail.com)

DỊCH VỤ NỔI BẬT

Zalo Phone Messenger