• Hotline: 0878198555
  • Email: luathoangphat@gmail.com

Tranh chấp Hợp đồng kinh tế về chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán


Tôi là: Hoàng Thị Chung – Là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Tổng hợp T (sau đây gọi tắt là “Công ty T”) trong vụ án “Tranh chấp Hợp đồng kinh tế” theo Thông báo thụ lý số 39/TLST-KDTM ngày 14/6/2022 của Tòa án nhân dân thành phố V, tỉnh N, bị đơn Công ty Cổ phần A.T (sau đây gọi tắt là “Công ty A.T”).

Nội dung vụ án: Ngày 01/8/2017, Công ty T (Bên Bán) và Công ty A.T, nay là “Công ty Cổ phần A.T” (Bên Mua) ký kết Hợp đồng kinh tế số 0108/2017HĐKT/TP-A.T (sau đây gọi tắt là “Hợp đồng”), theo đó, Bên Bán bán cho Bên Mua các loại thép xây dựng, thép hình, thép hộp, ống nước, phụ kiện nước, xi măng để xây dựng công trình (nhà máy xi măng Tân Thắng – Hoàng Mai), số lượng theo nhu cầu thực tế của Bên Mua, chi tiết mỗi chủng loại hàng theo từng đơn đặt hàng giữa hai bên, đơn giá được các bên thỏa thuận, thống nhất bằng bản báo giá kiêm xác nhận đơn đặt hàng hoặc thông báo qua điện thoại trước khi giao nhận hàng. Công ty T đã thực hiện nghĩa vụ của Hợp đồng, đã giao hàng cho Công ty A.T và Công ty A.T có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty T, tổng số tiền là: 3.375.972.149 đồng (Ba tỷ, ba trăm bảy mươi lăm triệu, chín trăm bảy mươi hai nghìn, một trăm bốn mươi chín đồng). Tuy nhiên, Công ty A.T đã không thực hiện việc thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho Công ty T. Đến nay, đã gần 4 năm kể từ ngày giao hàng, nhiều lần ông Nguyễn Đình C – Giám đốc Công ty T đến Công ty A.T (ở Hà Nội) để yêu cầu Công ty A.T trả tiền, cũng rất nhiều lần Công ty T yêu cầu Công ty A.T trả tiền hay hẹn gặp để giải quyết công nợ, nhưng Công ty A.T không gặp, khi gửi công văn thì không có người nhận, thư gửi cho Công ty A.T thì bị hoàn về. Công ty T đã nộp đơn ra Tòa án nhân dân thành phố V, yêu cầu Tòa giải quyết vụ việc này.

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, tôi xin đưa ra một số quan điểm sau đây:

Thứ nhất: Công ty T đã thực hiện nghĩa vụ giao hàng cho Công ty A.T, theo Hợp đồng kinh tế số 0108/2017HĐKT/TP-A.T, các yêu cầu đặt hàng của Công ty A.T.

Thực hiện Hợp đồng, yêu cầu đặt hàng của Công ty A.T, Công ty T đã giao hàng cho Công ty A.T vào các ngày như sau:

– Ngày 12/9/2017, Công ty T đã giao các loại thép (D10, 12, 14, 16,18, 20, 22, 32, thép ly) cho Công ty A.T, đơn giá từng mặt hàng (loại thép) phù hợp (đúng) với báo giá kiêm xác nhận đơn hàng số 11092017/XNĐH-TP/AT ngày 11/9/2017; tổng giá trị hàng hóa là 2.973.346.497 đồng (Hai tỷ, chín trăm bảy mươi ba triệu, ba trăm bốn mươi sáu nghìn, bốn trăm chín mươi bảy đồng), giá trị hàng hóa này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT 10%) theo quy định của pháp luật. Việc giao nhận hàng hóa giữa Công ty T và Công ty A.T được thể hiện ở Biên bản giao nhận hàng số 12092017 BBGN/TP-AT ngày 12/9/2017, người đại diện nhận hàng của Công ty A.T là ông Phạm Đăng T, hiện nay ông T là người đại diện pháp luật Công ty A.T.

Tại ngày 12/9/2017, Công ty T đã xuất Hóa đơn giá trị gia tăng số 0000244 cho Công ty A.T. Theo đó, Công ty A.T có nghĩa vụ thanh toán 2.973.346.497 đồng (Hai tỷ, chín trăm bảy mươi ba triệu, ba trăm bốn mươi sáu nghìn, bốn trăm chín mươi bảy đồng) cho Công ty Thịnh Phát.

– Ngày 13/9/2017, Công ty T đã giao các loại thép (D6, 8) cho Công ty A.T, đơn giá từng mặt hàng (loại thép) phù hợp (đúng) với báo giá kiêm xác nhận đơn hàng số 11092017/XNĐH-TP/AT ngày 11/9/2017; tổng giá trị hàng hóa là 104.811.828 đồng (Một trăm linh bốn triệu, tám trăm mười một nghìn, tám trăm hai mươi tám đồng), giá trị hàng hóa này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT 10%) theo quy định của pháp luật. Việc giao nhận hàng hóa giữa hai bên được thể hiện ở Biên bản giao nhận hàng số 13092017 BBGN/TP-AT ngày 13/9/2017.

Tại ngày 13/9/2017, Công ty T đã xuất Hóa đơn giá trị gia tăng số 0000248 cho Công ty A.T. Theo đó, Công ty A.T có nghĩa vụ thanh toán 104.811.828 đồng (Một trăm linh bốn triệu, tám trăm mười một nghìn, tám trăm hai mươi tám đồng) cho Công ty T.

– Ngày 17/12/2017, Công ty T đã giao các loại thép (D16,18,20,32) cho Công ty A.T theo Biên bản giao nhận hàng số 2017 BBGN/TP-AT ngày 17/12/2017.

Tại ngày 17/12/2017, Công ty T đã xuất Hóa đơn giá trị gia tăng số 0000383 cho Công ty A.T. Theo đó, Công ty A.T có nghĩa vụ thanh toán 297.813.824 đồng (Hai trăm chín mươi bảy triệu, tám trăm mười ba nghìn, tám trăm hai mươi bốn đồng cho) cho Công ty T.

Như vậy, Công ty T đã thực hiện nghĩa vụ của Hợp đồng, đã giao hàng cho Công ty A.T và Công ty A.T có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty T với tổng số tiền là: 3.375.972.149 đồng (Ba tỷ, ba trăm bảy mươi lăm triệu, chín trăm bảy mươi hai nghìn, một trăm bốn mươi chín đồng). Tuy nhiên, Công ty A.T đã không thực hiện việc thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho Công ty Thịnh Phát. Đến nay, đã gần 4 năm kể từ ngày giao hàng.

Thứ hai: Công ty A.T đã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho Công ty T

1/. Thời hạn thanh toán đối với các đơn hàng (giao nhận ngày 12/9/2017, 13/9/2017, 17/12/2017) như sau:

1.1. Thời hạn thanh toán đối với đơn hàng được giao nhận vào ngày 12/9/2017 và ngày 13/9/2017

– Ngày 11/09/2017, Công ty T đã ký Báo giá kiêm xác nhận đơn hàng số 11092017XNĐH-TP/A.T, theo đó Công ty T bán các loại thép, số lượng, đơn giá cụ thể theo báo giá cho Công ty A.T và Công ty A.T có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty T 100% giá trị lô hàng trong vòng 25 ngày kể từ ngày hai bên ký biên bản giao nhận hàng, theo nội dung quy định tại mục 3 Báo giá kiêm xác nhận đơn hàng số 11092017XNĐH-TP/A.T.

– Thực hiện Hợp đồng và Báo giá kiêm xác nhận đơn hàng số 11092017XNĐH-TP/A.T, Công ty T đã thực hiện giao nhận hàng với Công ty A.T, thời gian cụ thể như sau:

+ Ngày 12/9/2017, Công ty T và Công ty A.T thực hiện giao nhận hàng hóa và hai bên xác nhận nội dung giao hàng tại Biên bản giao nhận hàng số 12092017 BBGN/TP-AT ngày 12/9/2017, người đại diện nhận hàng của Công ty A.T là ông Phạm Đăng T (hiện nay ông T là người đại diện pháp luật Công ty A.T).

+ Ngày 13/9/2017, Công ty T và Công ty A.T thực hiện giao nhận hàng hóa và hai bên xác nhận nội dung giao hàng tại Biên bản giao nhận hàng số 13092017 BBGN/TP-AT ngày 13/9/2017, người đại diện nhận hàng của Công ty A.T là ông Phạm Đăng T.

Theo đó, thời hạn Công ty A.T phải thanh toán đầy đủ giá trị hàng hóa cho Công ty Thịnh Phát là:

+ Đối với đơn hàng được giao nhận ngày 12/9/2017 thời hạn Công ty A.T thực hiện nghĩa vụ thanh toán (số tiền: 2.973.346.497 đồng) là ngày: 08/10/2017.

+ Đối với lô hàng được giao nhận ngày 13/9/2017 thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ thanh toán (số tiền 104.811.828 đồng) là ngày: 09/10/2017.

1.2. Thời hạn thanh toán đối với đơn hàng được giao nhận vào ngày 17/12/2017

Ngày 17/12/2017, Công ty T và Công ty A.T thực hiện giao nhận hàng hóa và hai bên xác nhận nội dung giao hàng tại Biên bản giao nhận hàng ngày 17/12/2017.

Tại khoản 2, điều 440 Bộ luật dân sự quy định nghĩa vụ trả tiền trong trường hợp các bên không thỏa thuận cụ thể về thời hạn thanh toán như sau:

Điều 440. Nghĩa vụ trả tiền

  1. Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản….”.

Theo đó, đơn hàng được Công ty T và Công ty A.T giao nhận vào ngày 17/12/2017, không được hai bên thỏa thuận cụ thể về thời hạn thanh toán nên Công ty A.T có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty T khi thực hiện nhận hàng hóa (ngày 17/12/2017).

2/. Công ty A.T đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán, không thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho Công ty T, cụ thể:

Ngày 12/09/2017, 13/9/2017, 17/12/2017 Công ty T đã giao hàng và Công ty A.T có nghĩa vụ thanh toán số tiền là: 3.375.972.149 đồng (Ba tỷ, ba trăm bảy mươi lăm triệu, chín trăm bảy mươi hai nghìn, một trăm bốn mươi chín đồng) cho Công ty T. Số tiền này được Công ty T giảm trừ một phần nghĩa vụ là: 23.404.200 đồng (Hai mươi ba triệu, bốn trăm linh bốn nghìn, hai trăm đồng) cho Công ty A.T vào ngày 11/6/2018 (theo Biên bản xác nhận công nợ số 11062018 XNCN-TP/AT ngày 11/6/2018).

Thời hạn để Công ty A.T thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho Công ty T đối với hàng hóa giao nhận ngày 12/9/2017 là ngày 08/10/2017; đối với lô hàng được giao nhận ngày 13/9/2017 là ngày 09/10/2017, đối với lô hàng giao nhận ngày 17/12/2017 là ngày 17/12/2017. Tuy nhiên, đến nay Công ty A.T mới thực hiện thanh toán số tiền 2.710.000.000 đồng. Số tiền mua hàng hóa mà Công ty A.T còn phải thanh toán cho Công ty T là: 642.567.949 đồng (Sáu trăm bốn mươi hai triệu, năm trăm sáu mươi bảy nghìn, chín trăm bốn mươi chín đồng).

Thứ ba: Trách nhiệm của Công ty A.T phát sinh từ việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán với Công ty Thịnh Phát

– Tại khoản 4.2, điều IV Hợp đồng quy định về nghĩa vụ phát sinh từ việc chậm thanh toán, như sau:

“ĐIỀU 4: THANH TOÁN

4.2. Thời hạn thanh toán

– Nếu bên A thanh toán chậm (nhưng phải được sự đồng ý của bên B) thì sẽ được áp dụng theo các hình thức sau:

+ Nếu vượt quá hạn thanh toán trên thì bên A phải chịu lãi suất 1%/tháng cho số tiền chậm trả, nhưng thời gian quá hạn không quá 10 ngày tính từ ngày đến hạn. Kể từ ngày thứ 11 trở đi bên A phải chịu lãi suất quá hạn áp dụng theo lãi suất quá hạn quy định của ngân hàng nhà nước Việt Nam và bên B có quyền từ chối không tiếp tục giao hàng, đồng thời bên A vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng…”.

– Tại Bản báo giá kiêm xác nhận đơn hàng số 11092017 XNĐH-TP/AT ngày 11/09/2017 quy định như sau:

“3. Phương thức thanh toán: Bên mua thanh toán cho bên bán 100% giá trị lô hàng trong vòng 25 ngày kể từ ngày hai bên ký biên bản giao nhận hàng, Nếu quá thời hạn thì bên A phải chịu lãi suất 1%/1 tháng nhưng không quá 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán…”.

Như vậy, khi đến hạn thanh toán nhưng Công ty A.T không thanh toán đầy đủ cho Công ty T là vi phạm nghĩa vụ của Hợp đồng và phải chịu lãi suất theo thỏa thuận của các bên, cụ thể như sau:

+ Khi hết hạn thanh toán mà Công ty A.T chưa thanh toán đầy đủ cho Công ty T thì trong 10 ngày đầu tiên sau khi hết hạn thanh toán Công ty A.T phải chịu mức lãi suất 1% tháng (mức lãi suất này được tính tương ứng với số ngày chậm trả) trên số tiền chậm thanh toán, theo thỏa thuận tại mục 3, Bản báo giá kiêm xác nhận đơn hàng số 11092017 XNĐH-TP/AT ngày 11/09/2017 (nội dung này phù hợp với quy định tại khoản 4.2, điều IV Hợp đồng).

+ Kể từ ngày thứ 11 trở đi, Công ty A.T vẫn chưa thanh toán đủ cho Công ty T thì Công ty A.T phải chịu lãi suất quá hạn áp dụng theo lãi suất quá hạn của ngân hàng nhà nước Việt Nam, theo thỏa thuận tại khoản 4.2, điều IV Hợp đồng.

Tại điều 306 Luật Thương mại 2005 quy định về quyền yêu cầu tiền lãi trong trường hợp chậm thanh toán trong hoạt động thương mại như sau:

Điều 306. Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán

Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Theo đó, việc Công ty A.T và Công ty T thỏa thuận về tiền lãi trong trường hợp Công ty A.T chậm thanh toán theo “lãi suất quá hạn áp dụng theo lãi suất quá hạn của ngân hàng nhà nước Việt Nam” là phù hợp với quy định của pháp luật.

Lãi suất nợ quá hạn của ngân hàng là 150% lãi suất trong hạn theo quy định tại điểm c, khoản 2, điều 5 và khoản 2 điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019. Theo đó, lãi suất hàng tháng là 1%/tháng, tương ứng với mức 150% lãi suất trong hạn theo tháng là 1,5%/tháng, tương ứng với mức lãi suất trong hạn theo năm là 18%/năm. Thỏa thuận này phù hợp với mức lãi suất quy định tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay).

(Tại Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29-11-2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức lãi suất cơ bản đồng Việt Nam là 9,0%/năm, tương ứng với 0,75%/ tháng, tương ứng với mức 150% lãi suất cơ bản là 13,5%/năm).

Tại điểm c, khoản 2, điều 5 và khoản 2 điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019, quy định:

“Điều 5. Xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng thuộc trường hợp áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015

c) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% mức lãi suất vay do các bên thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Mức lãi suất trên nợ gốc quá hạn do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn chưa trả) x (lãi suất do các bên thỏa thuận hoặc 150% lãi suất vay do các bên thỏa thuận) x (thời gian chậm trả nợ gốc).

Điều 13. Quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án

  1. “Mức lãi suất hai bên thỏa thuận” hướng dẫn tại khoản 1 điều này là mức lãi suất nợ quá hạn các bên thỏa thuận trong hợp đồng hoặc tại Tòa án. Trường hợp, các bên không có thỏa thuận về mức lãi suất nợ quá hạn thì mức lãi suất nợ quá hạn bằng 150% mức lãi suất trong hạn”.

Như vậy, Công ty T hoàn toàn có thể yêu cầu Công ty A.T thanh toán tiền lãi (bằng 150% lãi suất trong hạn) là 1,5%/tháng, tương ứng 18%/năm (mức lãi này phù hợp quy định tại khoản 1, điều 468 BLDS 2005 “trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm”  theo quy định trên khi Công ty A.T, không thanh toán đúng hạn.

Với tư cách là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn – Công ty CP Xây dựng và Thương mại Tổng hợp T, tôi đưa ra một số ý kiến về hồ sơ vụ án. Vừa qua, phiên tòa xét xử sơ thẩm đã diễn ra, quan điểm của Luật sư được Tòa ghi nhận, với lý lẽ thuyết phục và các chứng cứ rõ ràng, thắng lợi tuyệt đối thuộc Công ty T, bị đơn – Công ty A.T chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, thanh toán toàn bộ số tiền chưa thanh toán cho Công ty T, bao gồm cả phần tiền lãi.

Luật sư Hoàng Thị Chung – Văn phòng Luật sư Hoàng Phát

(Bài viết này thuộc về Văn phòng Luật sư Hoàng Phát, nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng trích nguồn khi sử dụng. Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Mọi ý kiến thắc mắc về bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail luathoangphat@gmail.com.)

DỊCH VỤ NỔI BẬT

Zalo Phone Messenger