Viên chức lãnh sự là gì ? Quy định về viên chức lãnh sự
Viên chức lãnh sự là người có nhiệm vụ thi hành chức năng lãnh sự, kể cả người đứng đầu cơ quan lãnh sự. Viên chức lãnh sự gồm viên chức lãnh sự chuyên nghiệp và viên chức lãnh sự danh dự. Viên chức lãnh sự chuyên nghiệp trên nguyên tắc phải là người có quốc tịch nước cử.
1. Khái niệm viên chức lãnh sự
Viên chức lãnh sự là người có nhiệm vụ thi hành chức năng lãnh sự, kể cả người đứng đầu cơ quan lãnh sự.
Viên chức lãnh sự gồm viên chức lãnh sự chuyên nghiệp và viên chức lãnh sự danh dự. Viên chức lãnh sự chuyên nghiệp trên nguyên tắc phải là người có quốc tịch nước cử. Họ không được hoạt động nghề nghiệp hoặc thương mại ở nước tiếp nhận lãnh sự để kiếm lời cho cá nhân. Thành viên trong gia đình viên chức lãnh sự chuyên nghiệp được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ lãnh sự trong phạm vi nhất định, Viên chức lãnh sự danh dự có thể có quốc tịch của nước tiếp nhận cơ quan lãnh sự hoặc của nước thứ ba khác. Họ không bị cấm tiến hành các hoạt động nghề nghiệp hoặc thương mại. Thành viên gia đình của viên chức lãnh sự danh dự không được hưởng các quyền ưu đãi và miễn trừ được quy định trong Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự. Theo Điều 68 Công ước Viên 1963, tất cả các quốc gia đều có quyền tự do định đoạt về việc cử hoặc tiếp nhận viên chức lãnh sự danh dự.
Quy chế lãnh sự danh dự của nước Cộng xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 06/NG-QĐÐ ngày 8.01.1994 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định: Cơ quan lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do lãnh sự danh dự đứng đầu gồm tổng lãnh sự quán và lãnh sự quán. Người đứng đầu lãnh sự quán là lãnh sự danh dự, người đứng đầu tổng lãnh sự quán là tổng lãnh sự danh dự. Điều kiện để được bổ nhiệm làm lãnh sự danh dự gồm:
1) Là công dân Việt Nam hoặc công dân nước tiếp nhận;
2) Thường trú tại nước tiếp nhận;
3) Có địa vị xã hội, có khả năng tài chính và kinh nghiệm quản lí.
4) Có lí lịch tư pháp rõ ràng;
5) Không phải là công chức của bất cứ nước nào.
Lãnh sự danh dự do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bổ nhiệm có nhiệm kì 3 năm và có thể được gia hạn theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc theo đề nghị của Cục trưởng Cục lãnh sự.
2. Các hoạt động ngoại giao của viên chức lãnh sự
Việc hoạt động ngoại gia của Viên chức lãnh sự được quy định cụ thể tại Điều 17 Công ước viên về quan hệ lãnh sự năm 1963, cụ thể như sau:
Điều 17: Việc hoạt động ngoại giao của viên chức lãnh sự
1. Trong một nước mà Nước cử không có cơ quan đại diện ngoại giao và cũng không uỷ nhiệm một cơ quan đại diện ngoại giao của một nước thứ ba làm đại diện, thì với sự đồng ý Nước tiếp nhận và không ảnh hưởng đến quy chế lãnh sự của mình, một viên chức lãnh sự có thể được phép hoạt động ngoại giao. Việc viên chức lãnh sự thực hiện những hoạt động như vậy không tạo cho người đó bất kỳ cơ sở nào để đòi hỏi các quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao.
2. Sau khi đã gửi thông báo cho Nước tiếp nhận, một viên chức lãnh sự có thể hoạt động với tư cách đại diện cho Nước cử tại bất kỳ tổ chức liên Chính phủ nào. Khi hoạt động như vậy, người đó được hưởng mọi quyền ưu đãi và miễn trừ mà luật tập quán quốc tế hoặc các điều ước quốc tế dành cho một người đại diện như thế. Tuy nhiên, khi thực hiện chức năng lãnh sự, người đó không được hưởng quyền miễn trừ xét xử lớn hơn quyền miễn trừ xét xử mà một viên chức lãnh sự được hưởng theo Công ước này”.
Như vậy trong trường hợp trong một nước mà nước cử không có các cơ quan đại diện ngoại giao và cũng không ủy nhiệm cho bất kỳ một cơ quan đại diện ngoại giao nào của một nước thứ ba làm đại diện , thì với sự đồng ý của nước tiếp nhận và không ảnh hưởng đến các quy chế lãnh sự của mình, một viên chức lãnh sự có thể được phép thực hiện các hoạt động ngoại giao. Việc viên chức lãnh sự khi thực hiện các hoạt động ngoại giao như vậy không tạo cho viên chức lãnh sự đó bất kỳ cơ sở nào để đòi hỏi các quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao.
3. Quốc tịch của Viên chức lãnh sự được quy định như thế nào ?
Quốc tịch của Viên chức lãnh sự được xác định theo nguyên tắc như sau:
– Về nguyên tắc, viên chức lãnh sự phải là người có quốc tịch Nước cử.
– Nước cử không được cử người có quốc tịch của Nước tiếp nhận làm viên chức lãnh sự trừ các trường hợp khi được Nước đó đồng ý rõ ràng và bất cứ lúc nào Nước đó cũng có thể rút lại sự đồng ý ấy.
– Nước tiếp nhận có thể dành cho mình quyền như vậy đối với công dân của một nước thứ ba không đồng thời là công dân của nước cử.
Điều này được quy định tại Điều 22 Công ước viên về quan hệ lãnh sự năm 1963, cụ thể như sau:
Điều 22: Quốc tịch của viên chức lãnh sự
1. Về nguyên tắc, viên chức lãnh sự phải là người có quốc tịch Nước cử.
2. Không được cử người có quốc tịch của Nước tiếp nhận làm viên chức lãnh sự trừ khi được Nước đó đồng ý rõ ràng và bất cứ lúc nào Nước đó cũng có thể rút lại sự đồng ý ấy.
3. Nước tiếp nhận có thể dành cho mình quyền như vậy đối với công dân một Nước thứ ba không đồng thời là công dân nước cử”.
4. Quyền liên lạc và tiếp xúc với công dân Nước cử của viên chức lãnh sự
Điều 36: Công ước viên về quan hệ lãnh sự năm 1963 quy định về việc liên lạc và tiếp xúc với công dân Nước cử, cụ thể như sau:
– Viên chức lãnh sự được tự do liên lạc với công dân Nước cử và tiếp xúc với họ. Công dân nước cử cũng được quyền tự do như vậy trong việc liên lạc và tiếp xúc với viên chức lãnh sự của Nước cử;
– Viên chức lãnh sự có quyền đến thăm công dân của nước Cử đang bị tù, tạm giam hoặc tạm giữ; nói chuyện, liên lạc thư từ và thu xếp việc đại diện pháp lý cho người đó. Trong khu vực lãnh sự của mình, viên chức lãnh sự cũng có quyền đến thăm bất cứ công dân nào của Nước cử đang bị tù, bị tạm giam hoặc tạm giữ theo một bản án. Tuy nhiên, viên chức lãnh sự phải kiềm chế hành động thay mặt cho công dân đang bị tù, bị tạm giam hoặc tạm giữ nếu người đó phản đối rõ ràng việc làm như vậy.
5. Quyền bất khả xâm phạm về thân thể của viên chức lãnh sự chuyên nghiệp
Sự bất khả xâm phạm về thân thể viên chức lãnh sự được quy định tại Điều 41 Công ước viên về quan hệ lãnh sự năm 1963 quy định cụ thể như sau:
“Điều 41: Sự bất khả xâm phạm về thân thể viên chức lãnh sự
1. Viên chức lãnh sự không bị bắt hay bị tạm giam chờ xét xử, trừ trường hợp phạm tội nghiêm trọng và theo quyết định của cơ quan tư pháp có thẩm quyền.
2. Ngoài trường hợp nêu ở khoản 1 Điều này, viên chức lãnh sự không bị bỏ tù hay hạn chế tự do cá nhân dưới bất cứ hình thức nào, trừ phi phải thi hành một quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan tư pháp.
3. Nếu một quá trình tố tụng hình sự được tiến hành đối với một viên chức lãnh sự thì người đó phải ra trước nhà chức trách có thẩm quyền. Tuy nhiên, vì cương vị chính thức của viên chức lãnh sự, quá trình tố tụng đối với người này phải được tiến hành với sự tôn trọng thích đáng và phải tiến hành sao cho càng ít gây trở ngại đến việc thực hiện chức năng lãnh sự càng tốt, trừ trường hợp nêu ở khoản 1 của Điều này. Khi cần phải tạm giam một viên chức lãnh sự trong hoàn cảnh nêu ở khoản 1 Điều này, việc tiến hành tố tụng đối với người đó phải tiến hành trong thời gian sớm nhất”.
6. Các quyền khác của viên chức lãnh sự chuyên nghiệp
– Quyền miễn trừ xét xử: Viên chức lãnh sự không chịu sự xét xử của nhà nước chức trách tư pháp hoặc hành chính của Nước tiếp nhận về các hành vi thực hiện khi thi hành chức năng lãnh sự, trừ một số vụ kiện dân sự như sau:
+ Xảy ra vì một hợp đồng do một viên chức lãnh sự ký kết mà không phải là rõ ràng hoặc hàm ý đứng trên danh nghĩa một người được ủy quyền của Nước cử để ký kết;
+ Do một bên thứ ba tiến hành về thiệt hại do một bên tai nạn xe cộ, tàu thủy hoặc tàu bay xảy ra tại Nước tiếp nhận.
– Nghĩa vụ cung cấp chứng cứ: Cơ quan yêu cầu viên chức lãnh sự cung cấp chứng cứ phải tránh làm trở ngại việc thi hành chức năng của người đó. Nếu được, có thể lấy lời khai tại nhà riêng hoặc tại cơ quan lãnh sự hoặc nhận một bản khai viết của viên chức lãnh sự. Nếu một viên chức lãnh sự từ chối cung cấp chứng cứ, thì không được áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc hình phạt đối với người đó.
– Các viên chức lãnh sự và các thành viên gia đình họ cùng sống trong một hộ được miễn mọi thứ thuế và lệ phí về nhân thân hay tài sản do nhà nước, địa phương hoặc thành phố thu, trừ:
+ Thuế gián thu thuộc loại thường được gộp vào giá hàng hoá hay dịch vụ:
+ Thuế và lệ phí đánh vào bất động sản của tư nhân trên lãnh thổ Nước tiếp nhận;
+ Thuế do Nước tiếp nhận đánh vào tài sản thừa kế, việc thừa kế và việc chuyển nhượng tài sản;
+ Thuế và lệ phí đánh vào thu nhập cá nhân, bao gồm thu nhập từ vốn đầu tư có nguồn gốc ở Nước tiếp nhận và thuế đánh vào khoản vốn đầu tư trong những hoạt động thương mại hoặc tài chính ở Nước tiếp nhận;
+ Khoản thu đối với những dịch vụ riêng biệt;
+ Lệ phí đăng ký, lệ phí toà án hoặc hồ sơ, lệ phí thế chấp và tiền tem;
– Miễn thuế quan và miễn kiểm tra hải quan: Theo đúng luật và các quy định mà mình có thể đặt ra, Nước tiếp nhận cho phép nhập và miễn tất cả các loại thuế quan và lệ phí có liên quan, trừ phí bảo quản, cước vận chuyển và phí thu về những việc phục vụ tương tự, đối với:
+ Các vật dụng cá nhân của viên chức lãnh sự hoặc của các thành viên gia đình cùng sống trong một hộ với viên chức lãnh sự, kể cả những vật dụng để tạo lập chỗ ở của người đó. Những vật phẩm để tiêu dùng không được vượt quá số lượng cần thiết cho việc sử dụng tiếp của những người này;
+ Hành lý cá nhân mang theo của viên chức lãnh sự và của thành viên gia đình cùng sống trong một hộ, được miễn kiểm tra hải quan. Chỉ có thể kiểm tra hành lý đó khi có lý do chính đáng để tin rằng bên trong có chứa những đồ vật khác với những đồ vật nói ở mục (b) khoản 1 Điều này, hoặc những đồ vật mà luật và quy định của Nước tiếp nhận cấm nhập hoặc xuất khẩu hoặc những đồ vật phải tuân theo luật quy định về phòng dịch. Việc kiểm tra này phải được tiến hành với sự có mặt của viên chức lãnh sự hoặc của thành viên gia đình viên chức lãnh sự đó.
Bài viết cùng chủ đề
- Chính quyền quận Long Biên lạm dụng quyền ( cưỡng chế đất), phá nhà dân trước tết vì lợi ích nhóm
- "Quả bóng được đá qua nhiều sân" - Chính quyền huyện Đông Anh đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm
- Toà án tỉnh Phú Thọ tuyên phạt tù "chung thân" đối với Hoàng Thanh Hải phạm tội "Mua bán trái phép chất ma túy"
- Một số vấn đề Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung và làm rõ
- Phân biệt hộ gia đình theo quy định của Luật Đất đai và Luật Cư trú
- Tính lại thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự trong trường hợp thụ lý yêu cầu khởi kiện bổ sung