• Hotline: 0878198555
  • Email: luathoangphat@gmail.com

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích theo quy định mới nhất (đầy đủ về trình tự và thủ tục)


Bài viết trình bày khái niệm tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và phân tích về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích; Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích; Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của hội đồng trọng tài lao động:

1. Cơ sở pháp lý

– Bộ luật lao động năm 2019

2. Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là gì?

Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là tranh chấp về việc tập thể lao động yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác ở doanh nghiệp trong quá trình thương lượng giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.

3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích

Điều 195. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích

1. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm:

a) Hòa giải viên lao động;

b) Hội đồng trọng tài lao động.

2. Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc tiến hành thủ tục đình công.

Bộ luật lao động quy định các loại tranh chấp khác nhau và từ đó phân định các chủ thể tương ứng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động. Đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động vì lợi ích, Bộ luật lao động năm 2019 giữ nguyên nội dung về chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp được quy định từ luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật lao động năm 2006, theo đó, hòa giải viên lao động, hội đồng trọng tài lao động có thẩm quyền này.

Điểm khác biệt duy nhất giữa bộ luật lao động năm 2019 với bộ luật lao động cũ năm 2012 là bổ sung khoản 2 của điều này nhằm tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

Về nguyên tắc, một tranh chấp sẽ phát sinh khi các cuộc thương lượng giữa các bên bị bế tắc và cần có sự tham dự của người thứ ba; nhưng sẽ không có tranh chấp nếu hai bên vẫn hy vọng đạt được thỏa thuận và sẵn sàng tiếp tục bàn thảo một cách chân tình với nhau.

Do đó, nếu coi thương lượng tập thể chỉ được xem như một phương pháp giải quyết tranh chấp, nó sẽ được đề cập đến như một thủ tục ngang hàng với hòa giải và trọng tài.

Năm 1944, hội nghị lao động quốc tế đã thông qua tuyên ngôn Philadelphia tuyên ngôn đã xác định các mục đích của ILO. Theo tuyên ngôn Philadelphia, ILO có nghĩa vụ tiếp tục phát triển ở các quốc gia các chương trình quốc tế – vốn sẽ đạt được, ngoài các thứ khác, ‘sự công nhận quyền thương lượng tập thể”.

Về sau, nguyên tắc này được xác định trong Công ước về quyền tổ chức và thương lượng tập thể năm 1949 (số 98), nó cho thấy tầm quan trọng của trường thương lượng tập thể, là một trong những mặt quan trọng của chính sách quan hệ lao động cũng như trong quan hệ với hòa giải và trọng tài.

Vì vậy, có thể hiểu được khi tiến hành sửa đổi toàn diện bộ luật lao động cũ năm 2012, một trong những nguyên tắc của việc sửa đổi là phù hợp hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Quốc Hội Việt Nam phê chuẩn Công ước số 98 của ILO.

4. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích

Điều 196. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích

1. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động tập thể về lợi ích được thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 188 của Bộ luật này.

2. Trường hợp hòa giải thành, biên bản hòa giải thành phải bao gồm đầy đủ nội dung các bên đã đạt được thỏa thuận, có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động. Biên bản hòa giải thành có giá trị pháp lý như thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp.

3. Trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp:

a) Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết theo quy định tại Điều 197 của Bộ luật này;

b) Tổ chức đại diện người lao động có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật này để đình công.

Khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, hòa giải viên lao động phải tiến hành các thủ tục và phải hòa giải trong thời gian chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải từ bên tranh chấp hoặc từ cơ quan chuyên môn về lao động thuộc ủy ban nhân dân. Về nguyên tắc, phiên hòa giải sẽ được tiến hành khi đồng thời có mặt của các bên tranh chấp hoặc đại diện của các bên.

Trong khi hòa giải tranh chấp lao động, hòa giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng để giải quyết tranh chấp. Trường hợp hòa giải thành, thì biên bản hòa giải thành thì hiện đầy đủ nội dung mà các bên đã đạt được thỏa thuận, cũng như có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động, nó có giá trị pháp lý như thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp. Còn nếu hòa giải không thành, hòa giải viên vẫn có trách nhiệm lập biên bản và đưa ra phương án của mình để các bên xem xét. Nếu đồng thuận, các bên sẽ thực hiện phương án này và đương nhiên phiên bản hòa giải thành này cũng có giá trị pháp lý như thỏa ước lao động tập thể tương tự như trường hợp trên.

Nếu vẫn không đi đến sự thống nhất, các bên có quyền yêu cầu hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp của họ. Tuy vậy, phải thấy rằng với một khoảng thời gian rất ngắn, đặc biệt khi có những tranh chấp lao động phức tạp, lớn hoặc có liên quan giữa nhiều tổ chức đại diện của các bên với nhau, thì trong một số trường hợp quy định này cũng có thể làm vô hiệu hóa thủ tục hòa giải trên thực tiễn. Do đó, điều cần thiết là phải đưa ra các thời hạn hòa giải khác nhau cho các loại tranh chấp dựa trên tính chất, mức độ và nội dung của vụ việc tranh chấp lao động.

Đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích mà hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải, hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành, thì các bên tranh chấp trong tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền thực hiện các thủ tục giải quyết tiếp theo. Cụ thể, các bên có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc tổ chức đại diện người lao động có quyền tiến hành thủ tục để đình công.

Điểm cần chú ý là đối với trường hợp một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành khi mà lúc này biên bản hòa giải thành có giá trị pháp lý như thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, tranh chấp này vẫn được xem như tranh chấp lao động tập thể về lợi ích mà không phải tranh chấp lao động tập thể về quyền. Và khi đó, tổ chức đại diện người lao động vẫn có quyền tiến hành thủ tục để đình công hoặc yêu cầu hội đồng trọng tài lao động giải quyết.

5. Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của hội đồng trọng tài lao động

Điều 197 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động như sau:

1. Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều này, Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.

3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, căn cứ vào quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.

4. Khi các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài lao động theo quy định tại Điều này thì tổ chức đại diện người lao động không được tiến hành đình công trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động đang tiến hành giải quyết tranh chấp.

Khi hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này mà Ban trọng tài không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật này để đình công.

Tương tự như Điều 193 Bộ luật lao động, việc giải quyết các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động chỉ phát sinh khi có sự đồng thuận của các bên sau khi hòa giải không thành hoặc vụ việc đã hết thời hạn hoặc dài mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải, hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp, ban trọng tài lao động phải được thành lập. Đồng thời trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, ban trọng tài có trách nhiệm xem xét nội dung của vụ việc tranh chấp dựa trên các quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội dung nội qui lao động đã được đăng ký và các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác. Điểm chú ý, ban trọng tài lao động quyết định việc giải quyết tranh chấp theo nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số, tương tự với cách thức hoạt động của hội đồng Trọng tài lao động như quy định tại Điều 206 Bộ luật lao động cũ năm 2012

Bộ luật lao động năm 2019 bổ sung quy định về việc khi các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài lao động thì tổ chức đại diện người lao động không được tiến hành đình công trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động đang tiến hành giải quyết tranh chấp. Nội dung này bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với khoản 4 Điều 204 của bộ luật này, tuy nhiên có thể hiểu rằng trong khoảng thời gian mà ban trọng tài lao động đang tiến hành giải quyết tranh chấp lao động, thì đình công không được phép xảy ra, nhưng không hạn chế việc tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở tiến hành các trình tự, thủ tục để chuẩn bị cho cuộc đình công.

Nếu vậy, thì gần như việc có hay không quyết định của ban trọng tài trong trường hợp này không còn có ý nghĩa, đặc biệt khi đây cũng không phải là phán quyết bắt buộc các bên trong tranh chấp lao động, bảo đảm, tuân thủ thực hiện quyết định này. Điều này không những làm suy yếu vai trò của Hội đồng trọng tài lao động trong thực tiễn mà cho thấy sự đặc thù về vị trí vai trò, vị trí, chức năng của Hội đồng trọng tài lao động Việt Nam so với thông lệ chung.

Bộ luật lao động cũng bổ sung quy định về việc khi hết thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp mà ban trọng tài lao động không được thành lập, hoặc hết thời hạn 30 ngày mà ban trọng tài không ra quyết định giải quyết tranh chấp, hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của ban trọng tài lao động, thì tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp có quyền tiến hành thủ tục để đình công.

Quy định này tiếp tục khẳng định lại quyền đình công của tập thể lao động trong các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, cũng như cho thấy vai trò, chức trách của Hội đồng trọng tài lao động trong việc giải quyết các tranh chấp lao động tập thể.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail luathoangphat@gmail.com

Rất mong nhận được sự hợp tác !

Trân trọng.

DỊCH VỤ NỔI BẬT

Zalo Phone Messenger