So sánh Công ty TNHH 1 thành viên và Công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Công ty TNHH 1 thành viên và Công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có những ưu và nhược điểm riêng, nhằm giúp tổ chức/cá nhân mong muốn kinh doanh có những quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp khởi sự, VPLS Hoàng Phát xin tư vấn cho Quý khách hàng những thông tin cơ bản của Công ty TNHH 1 thành viên và Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, như sau:
1. Các đặc điểm giống nhau giữa công ty TNHH 1 thành viên và công ty TNHH 2 thành viên trở lên
– Công ty TNHH 1 thành viên và Công ty TNHH 2 thành viên trở lên đều có tư cách pháp nhân kể từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Chủ sở hữu của Công ty TNHH 1 thành viên và thành viên góp vốn của Công ty TNHH 2 thành viên trở lên đều có thể là tổ chức hoặc cá nhân là thành viên góp vốn.
– Thành viên công ty THHH 2 thành viên, chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn góp của mình.
– Công ty có thể điều chỉnh việc tăng hoặc giảm vốn điều lệ. Theo đó việc giảm vốn điều lệ chỉ có thể thực hiện sau 02 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đáp ứng các điều kiện cụ thể (trừ trường hợp thành viên công ty không thanh toán đủ và đúng hạn vốn điều lệ công ty trong vòng 90 ngày kể từ ngày đăng ký thành lập công ty);
– Không bắt buộc phải thành lập ban kiểm soát;
– Thủ tục pháp lý về gia nhập thị trường, rút lui thị trường giống nhau: Thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục phá sản, thủ tục giải thể công ty.
– Không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp công ty TNHH chuyển thành công ty cổ phần.
– Cả hai loại hình công ty đều được phát hành trái phiếu để huy động vốn.
* Một số ưu điểm chung so với công ty cổ phần và các loại hình doanh nghiệp khác
– Chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty.
– Số lượng thành viên không nhiều và các thành viên thường là người quen biết, tin cậy nhau, nên việc quản lý, điều hành công ty không quá phức tạp.
– Chế độ chuyển nhượng vốn được điều chỉnh chặt chẽ nên có thể kiểm soát được việc thay đổi các thành viên.
– Khi chuyển nhượng vốn, thành viên chuyển nhượng vốn phải kê khai thuế và nộp thuế thu nhập cá nhân, trường hợp chuyển nhượng thấp hơn hoặc ngang giá góp vốn thì số thuế phải nộp bằng không.
* Nhược điểm chung so với công ty cổ phần và các loại hình doanh nghiệp khác
– Công ty TNHH 1 thành viên và công ty TNHH 2 thành viên trở lên chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật hơn là doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh.
– Việc huy động vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn bị hạn chế do không có quyền phát hành cổ phiếu như công ty cổ phần.
2. Các đặc điểm khác nhau giữa công ty TNHH 1 thành viên và công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Tiêu chí | Công ty TNHH 1 thành viên | Công ty TNHH 2 thành viên trở lên |
Về số lượng thành viên |
Chỉ có 1 thành viên tham gia góp vốn và là chủ sở hữu công ty. | Có 2 thành viên đến tối đa 50 thành viên góp vốn. |
Về thủ tục tăng giảm vốn điều lệ công ty
|
– Công ty TNHH tăng vốn điều lệ thông qua việc chủ sở hữu công ty góp thêm vốn hoặc huy động thêm vốn góp của người khác. Chủ sở hữu công ty quyết định hình thức tăng và mức tăng vốn điều lệ.
– Trường hợp tăng vốn điều lệ bằng việc huy động thêm phần vốn góp của người khác, công ty phải chuyển đổi thành loại hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần. |
Công ty có thể tăng vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
– Tăng vốn góp của thành viên; – Tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới. Công ty có thể giảm vốn bằng cách mua lại phần vốn góp của thành viên. |
Về chuyển nhượng vốn góp |
Chủ sở hữu công ty có toàn quyền chuyển nhượng và định đoạt toàn bộ hoặc một phần vốn điều lệ của công ty.
|
Thành viên của công ty muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác thì phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại. Các thành viên còn lại có quyền ưu tiên mua trong vòng 30 ngày kể từ ngày chào bán và sau đó nếu các thành viên còn lại không mua, thành viên đó có quyền chuyển nhượng cho bên thứ ba với cùng điều kiện và điều khoản đã chào bán cho các thành viên còn lại. |
Về cơ cấu tổ chức | – Đối với cá nhân làm chủ sở hữu: Chủ sở hữu, Chủ tịch Công ty, Giám đốc/Tổng Giám đốc.
– Đối với tổ chức làm chủ sở hữu: Được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây: (1) Chủ tịch công ty, Giám đốc/ Tổng giám đốc; (2) Hội đồng thành viên, Giám đốc/Tổng giám đốc. |
Cơ cấu tổ chức gồm:
– Hội đồng thành viên, – Chủ tịch Hội đồng thành viên, – Giám đốc/Tổng giám đốc, – Ban kiểm soát (trường hợp có 11 thành viên góp vốn hoặc do nhu cầu quản trị của công ty. |
Trách nhiệm đối với vốn góp | Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. | Các thành viên công ty cùng chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp. |
3. Những ưu, nhược điểm của Công ty TNHH một thành viên và Công ty TNHH hai thành viên
3.1. Những ưu, nhược điểm của Công ty TNHH một thành viên
* Ưu điểm:
– Chủ sở hữu công ty có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty.
– Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty (khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp….) trong phạm vi số vốn góp.
* Nhược điểm:
– Không được phát hành cổ phần nên việc huy động vốn còn hạn chế so với Công ty Cổ phần.
– Chủ sở hữu không được trực tiếp rút vốn đã góp vào công ty. Chủ sở hữu được quyền rút vốn được quyền rút vốn bằng chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã góp cho tổ chức/cá nhân khác.
– Đối với trường hợp muốn góp thêm tổ chức/cá nhân góp vốn thì phải chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty TNHH hai thành viên hoặc công ty Cổ phần.
– Tiền lương và chi phí khác thanh toán cho Chủ sở hữu không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế.
3.2. Những ưu, nhược điểm của Công ty TNHH hai thành viên trở lên
* Ưu điểm:
– Phù hợp với các chủ thể đang muốn kinh doanh trong phạm vi nhỏ, vừa hoặc không có nhu cầu phát hành cổ phần để huy động vốn.
– Thành viên góp vốn chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp.
– Số lượng thành viên nhiều nên thuận lợi trong việc huy động vốn.
– Việc chuyển nhượng vốn góp được quản lý chặt chẽ nên dễ dàng kiểm soát được việc thay đổi thành viên. Các thành viên muốn chuyển nhượng vốn phải ưu tiên chuyển nhượng cho các thành viên còn lại trong công ty trước.
* Nhược điểm:
– Do đã được quy định chặt chẽ về số lượng thành viên nên số thành viên bị giới hạn trong một số phạm vi nhất định, không thể thêm người hoặc bớt người nếu vượt quá hoặc không đủ người trong phạm vi đã quy định. Trường hợp không đủ số thành viên tối thiểu hoặc nhiều hơn số thành viên tối đa thì phải chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
– Việc tăng vốn do tiếp nhận thêm thành viên góp vốn cần có sự chấp thuận của hội đồng thành viên nên khả năng huy động vốn sẽ khó khăn hơn.
– Không được phát hành cổ phần. Do đó, việc huy động vốn có phần hạn chế sơ với Công ty Cổ phần.
* Căn cứ: Luật Doanh nghiệp 2020
(Bài viết này thuộc về Văn phòng Luật sư Hoàng Phát, vui lòng trích nguồn khi sử dụng. Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Mọi ý kiến thắc mắc về bài viết, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, hoặc Quý khách quan tâm đến thủ tục thành lập doanh nghiệp và các vấn đề pháp lý liên quan đến công ty xin vui lòng liên hệ với VPLS Hoàng Phát để được tư vấn cụ thể! vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail luathoangphat@gmail.com hoặc luatsuhoangphat@gmail.com)