Phân tích kỹ năng tra cứu, tìm kiếm quy định pháp luật áp dụng
Tư vấn pháp luật là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo môi trường pháp lý an toàn, tin cậy cho hoạt động của đời sống – xã hội, góp phần không nhỏ trong việc hạn chế những tranh chấp có thể xảy ra trong đời sống xã hội, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và nâng cao sự hiểu biết pháp luật của người dân trong xã hội. Để thực hiện tư vấn pháp luật người tư vấn cần phải thực hiện rất nhiều các kỹ năng đặc thù của dịch vụ tư vấn pháp luật, trong đó kỹ năng tra cứu, tìm kiếm quy định pháp luật áp dụng là một trong những kỹ năng thiết yếu mà người tư vấn cần thành thạo.
1. Khái niệm, ý nghĩa của việc tra cứu, tìm kiếm quy định pháp luật áp dụng
Khái niệm: tra cứu, tìm kiếm quy định luật áp dụng là việc chủ thể tư vấn tìm kiếm những văn bản pháp luật liên quan đến những vụ việc yêu cầu được giải quyết.
Ý nghĩa: Trong quá trình tư vấn pháp luật, người tư vấn phải giải đáp pháp luật, cung cấp thông tin pháp luật về quyền và nghĩa vụ của đối tượng, đưa ra những lời khuyên về những vấn đề có liên quan đến pháp luật, hướng dẫn đối tượng xử sự phù hợp với pháp luật, nhằm giúp đối tượng nâng cao ý thức pháp luật, hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, trên cơ sở đó tự nguyện thực hiện pháp luật. Để đưa ra lời tư vấn pháp luật chính xác, việc tra cứu tài liệu pháp luật trong quá trình tư vấn là điều kiện bắt buộc bởi vì:
Thứ nhất, để khẳng định với đối tượng rằng người tư vấn đang thực hiện tư vấn theo pháp luật, trên cơ sở pháp luật chứ không phải theo cảm tính chủ quan, duy ý chí của người tư vấn.
Thứ hai, việc tra cứu tài liệu pháp luật có liên quan đến vụ việc tư vấn sẽ giúp người tư vấn kiểm tra tính chính xác những tư duy và khẳng định chính thức những lời tư vấn của mình là đúng pháp luật vì trong thực tiễn, không phải bao giờ người tư vấn cũng có thể nhớ chính xác tất cả các quy định thuộc các lĩnh vực pháp luật khác nhau. Nếu thấy cần thiết hoặc đối tượng yêu cầu thì người tư vấn có thể cung cấp cho đối tượng bản sao văn bản, tài liệu đó cùng với lời tư vấn mà mình đưa ra.
2. Mối quan hệ của kỹ năng tra cứu, tìm kiếm quy định pháp luật áp dụng với các kỹ năng khác
Tư vấn pháp luật là một nghề mà yêu cầu người tư vấn phải có đầy đủ và thuần thục các kĩ năng nhất định. Qua từng gian đoạn khác nhau của hoạt động tư vấn người tư vấn phải áp dụng các kĩ năng tư vấn khác nhau như kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, kỹ năng tra cứu tìm kiếm quy định pháp luật, kỹ năng tiếp xúc khách hành, kĩ năng đánh giá vụ việc,… Tuy rằng mỗi kỹ năng thường sử dụng trong từng giai đoạn riêng, nhưng chúng lại có quan hệ hết sức mật thiệt để giải quyết một vụ việc tư vấn. Kỹ năng tìm kiếm, tra cứu quy định pháp luật là kỹ năng cơ sở để cho người tư vấn tìm kiếm phương hướng cũng như cách thức giải quyết vấn đề. Trước đó người tư vấn cần phải có cái kỹ năng phân tích được vụ việc, kĩ năng nghiên cứu hồ sơ nhằm hiểu và xác định đúng vấn đề. Sau khi định hướng được các phương hướng giải quyết thì cần phải diễn đạt, hướng dẫn cũng như thuyết phục khách hành sao cho khách hàng tin tưởng vào khả năng của mình. Như vậy các kỹ năng tư vấn pháp luật có một mối quan hệ mật thiết mới nhau để giúp cho việc tư vấn diễn ra hiệu quả nhất.
3. Các bước thực hiện kỹ năng tra cứu, tìm kiếm quy định pháp luật áp dụng
Có thể tóm gọn kỹ năng tra cứu pháp luật để giải quyết yêu cầu của khách hàng trong bốn bước. Đó là:
Bước 1. Xác định vấn đề pháp lý của khách hàng
Cần nghiên cứu phân tích yêu cầu dịch vụ của khách hàng, xem đó có phải là vấn đề pháp lý hay không. Các câu hỏi cần đặt ra để nghiên cứu, phân tích là:Vấn đề pháp lý đặt ra là gì? Các khía cạnh cần lưu ý là gì? Và định hướng điều chỉnh pháp luật đối với các vấn đề pháp lý đó? Tác động đến quan hệ gì? Làm thay đổi quan hệ đó theo hướng nào? Tích cực hay tiêu cực? Có hậu quả xảy ra hay không? Hậu quả vật chất hay hậu quả hình thức? Nếu hậu quả theo hướng tiêu cực thì tính chất, mức độ đến đâu? Thuộc lĩnh vực hình sự, hành chính hay dân sự, kinh tế?… Cần lưu ý trường hợp có cùng một đối tượng nhưng lại có nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh tư cách, quyền hạn khác nhau và mỗi văn bản quy định việc đáp ứng yêu cầu cho mỗi đối tượng đó khác nhau tùy theo từng lĩnh vực cụ thể.
Bước 2. Tra cứu và khoanh vùng nguồn luật
Sau khi đã xác định được vấn đề pháp lý của vụ việc, cần tiến hành tìm kiếm nguồn luật để giải quyết. Cơ sở dẫn chiếu là mối quan hệ giữa các tình tiết thực tế trong vụ việc của khách hàng với phần phạm vi và đối tượng điều chỉnh trong các văn bản pháp luật, cụ thể là các yếu tố, tình tiết thuộc nội dung dự liệu của phần giả định trong các quy phạm pháp luật. Tra cứu văn bản, xác định từ khóa quan trọng. Ví dụ: Hành chính, Dân sự, Hình sự, Thương mại, hệ thống, tập hợp,Công ước, năm có hiệu lực của văn bản, Nghị định, thông tư…. Có thể tìm nguồn của các văn bản pháp luật dựa trên các phương pháp:
+) Dựa trên hệ thống, tập hợp các văn bản pháp luật có sẵn (ví dụ: Hệ thống văn bản pháp luật; Các văn bản hướng dẫn và quy định…)
+) Tìm văn bản thông qua phương tiện internet, thông tin đại chúng, qua các trang web.
+) Hoặc thể tham khảo là các Báo cáo tổng kết của Tòa án hoặc các án lệ của Tòa.
Bước 3. Kiểm tra, rà soát để xác định quy phạm, nhóm quy phạm điều chỉnh quan hệ, đảm bảo các điều luật được áp dụng đang còn hiệu lực pháp luật tại thời điểm xảy ra các sự việc
Tiêu chí để kiểm tra, rà soát là tính hợp pháp, hợp lý, tính thống nhất và hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật nói chung. Sau đó kiểm tra hiệu lực của từng quy phạm có liên quan đến nội dung vụ việc và quyền lợi của khách hàng nằm trong các văn bản quy phạm pháp luật. Các trường hợp có thể xảy ra như sau:
+) Các quy định có lợi cho khách hàng, bao gồm: Các văn bản điều chỉnh vấn để của khách hàng có thể đang còn hiệu lực hoặc hết hiệu lực một phần và các quy định còn hiệu lực có lợi cho khác hàng
+) Các quy định bất lợi cho khách hàng, bao gồm: Các văn bản điều chỉnh được viện dẫn gây bất lợi cho khách hàng có thể đang còn hiệu lực pháp luật hoặc hết hiệu lực một phần, các quy định còn hiệu lực gây bất lợi cho khách hàng.
+) Các quy định vừa có lợi vứa bất lợi cho khách hàng, gồm: Các văn bản đang còn hiệu lực pháp luật hoặc phần còn hiệu lực pháp luật trong văn bản đã hết hiệu lực pháp luật một phần có thể vừa là quy định có lợi cho giải quyết vấn đề của khách hàng nhưng cũng có thể gây bất lợi cho họ.
Bước 4. Lựa chọn áp dụng và sắp xếp các quy định pháp luật phù hợp với yêu cầu đặt ra theo hướng đạt được lợi ích cao nhất
Tập hợp các quy phạm pháp luật đang có hiệu lực theo thứ bậc hiệu lực để xác định số lượng, nội dung quy phạm pháp luật đang có hiệu lực điều chỉnh vấn đề của khách hàng. Phân loại các nhóm quy phạm: Nhóm điều chỉnh theo hướng có lợi cho khách hàng; nhóm bất lợi cho khách hàng; nhóm vừa có lợi vừa bất lợi. Từ đó tìm ra văn bản và quy phạm có lợi nhất điều chỉnh vụ việc của khách hàng.
5. Một số sai sót thường gặp
Trong quá trình tìm kiếm, tra cứu các quy định pháp luật, người thực hiện đôi khi không tranh khỏi một số lỗi sau:
Thứ nhất, lỗi tìm kiếm không đầy các quy định pháp luật. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong nước thực sự khá nhiều, chưa kể đến các điều ước quốc tế hoặc các hiệp định được ký kết với nước ngoài. Trên thực tế, không phải một vụ việc, một vấn đề chỉ được điều chỉnh bằng một quy phạm pháp luật hoặc một văn bản luật. Các quy định có thể nằm rải rác trong nhiều văn bản, luật có, nghị định có, thông tư có hoặc có khi phải tìm tới cả án lệ hay các văn bản hướng dẫn, giải đáp của các cơ quan có thẩm quyền. Do vậy, nếu không tìm hiểu kỹ nội dung vụ việc của khách hàng, chúng ta rất dễ mắc phải lỗi bỏ sót quy định pháp luật áp dụng này. Một lưu ý đặt ra là khi tìm kiếm, không chỉ tìm trong bộ luật, luật, nghị định mà cần mở rộng ra các văn bản hoặc các nguồn khác.
Thứ hai, áp dụng các điều luật đã hết hiệu lực. Ngoại trừ các điều luật có hiệu lực hồi tố, việc áp dụng các văn bản đã hết hiệu lực khi tư vấn cho khách hàng là một trong những điều tối kỵ. Việc áp dụng điều luật đã hết hiệu lực đôi khi không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng không lớn nhưng đôi khi lại có hậu quả vô cùng lớn đối với khách hàng. Ví dụ: về thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế theo Bộ luật Dân sự năm 2005 là 10 năm. Bộ luật dân sự năm 2015 quy định 10 năm với động sản và 30 năm với bất động sản. Nếu tư vấn sau thời điểm bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực thì thời hiệu thừa kế đối với bất động sản có sự thay đổi thành 30 năm. Nếu người tư vấn tư vấn nhầm thành 10 năm như bộ luật cũ sẽ ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của khách hàng. Do vậy, khi tra cứu quy định pháp luật, cần lưu ý kỹ điều kiện về hiệu lực của quy định pháp luật được áp dụng.
Thứ ba, đây là lỗi dẫn chiếu nhầm quy phạm pháp luật áp dụng. Thực tế trường hợp này ít gặp hơn so với các trường hợp nêu trên nhưng ít không có nghĩa là không có. Lỗi này mắc phải trong trường hợp các quy định pháp luật có đôi chút tương tự dẫn đến người tư vấn nhầm lẫn. Ví dụ trường hợp “cố ý gây thương tích” trong Tội cố ý gây thương tích hay chỉ là tình tiết định khung trong các Tội danh khác đôi khi cũng khiến người tư vấn băn khoăn. Do vậy, cần phân tích thật kỹ tình tiết sự việc và Điều luật áp dụng để tìm kiếm điều luật chính xác nhất.
Trân trọng!
Bài viết cùng chủ đề
- Chính quyền quận Long Biên lạm dụng quyền ( cưỡng chế đất), phá nhà dân trước tết vì lợi ích nhóm
- "Quả bóng được đá qua nhiều sân" - Chính quyền huyện Đông Anh đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm
- Toà án tỉnh Phú Thọ tuyên phạt tù "chung thân" đối với Hoàng Thanh Hải phạm tội "Mua bán trái phép chất ma túy"
- Một số vấn đề Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung và làm rõ
- Phân biệt hộ gia đình theo quy định của Luật Đất đai và Luật Cư trú
- Tính lại thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự trong trường hợp thụ lý yêu cầu khởi kiện bổ sung