Các quy định của pháp luật thi hành án dân sự hiện hành về thời hiệu yêu cầu THADS
Trong thi hành án dân sự, đương sự có quyền tự định đoạt quyền, lợi ích hợp pháp của họ cho nên trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, cơ quan thi hành án dân sự chỉ tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự. Tuy nhiên, nếu đương sự được yêu cầu thi hành án dân sự bất cứ lúc nào thì trong nhiều trường hợp việc tổ chức thi hành án dân sự có thể không thực hiện được. Do đó, để đảm bảo việc tổ chức thi hành án được hiệu quả, pháp luật quy định đương sự chỉ có quyền yêu cầu thi hành án dân sự trong thời hạn nhất định. Bài viết dưới đây sẽ phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật thi hành án dân sự hiện hành về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự và đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
I.Quy định của pháp luật hiện hành về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự
1. Khái niệm
Theo pháp luật hiện hành, thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự được định nghĩa tại khoản 5 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự:
“Thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự là thời hạn do pháp luật quy định cho người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự, thừa phát lại tổ chức thi hành án dân sự”
Bản chất của thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự là việc Nhà nước giới hạn quyền yêu cầu thi hành án dân sự của đương sự trong thời hạn nhất định. Vì vậy, thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự chỉ đặt ra đối với phần bản án, quyết định thi hành theo yêu cầu của đương sự. Đối với phần bản án, quyết định việc thi hành mang lại lợi ích cho Nhà nước thì cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ động thi hành án nên không áp dụng thời hiệu thi hành án dân sự.
2. Quy định của pháp luật về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự
Xuất phát từ yêu cầu của công tác thi hành án dân sự và ý nghĩa quan trọng của thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự, trong các văn bản quy phạm pháp luật thi hành án dân sự được Nhà nước ta ban hành từ năm 1989 đến nay đều có quy định về thời hiệu thi hành án dân sự. Hiện nay, thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự được quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 17/8/2015 của Chính phủ. Theo các quy định này thì việc tính thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự như sau:
Người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trường hợp bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay thì thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự vẫn được tính từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định của tòa án thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kì thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kì, tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn, tạm đình chỉ thi hành án.
Đối với phần bản án, quyết định về hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí tòa án; trả lại tiền, tài sản cho đương sự; tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản, các khoản thu khác cho Nhà nước; thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ Nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự
Về nguyên tắc, việc yêu cầu thi hành án dân sự phải được thực hiện trong thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự, hết thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự thì các đương sự không có quyền yêu cầu thi hành án nữa. Tuy nhiên, đối với các trường hợp do xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc xảy ra trở ngại khách quan, đương sự yêu cầu thi hành án quá hạn thì vẫn được chấp nhận và thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đều không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự. Vấn đề khôi phục thời hiệu thi hành án dân sự trong những trường hợp này đã được quy định tại khoản 3 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 17/8/2015, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020. Trong đó:
– Sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa;
– Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sát nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi hình thức, chuyển giao bắt buộc, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.
Theo Luật Thi hành án dân sự hiện hành quy định về thủ tục yêu cầu thi hành án dân sự, đương sự có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Kèm theo yêu cầu thi hành án dân sự, phải nộp bản án, quyết định và các tài liệu khác có liên quan. Đơn yêu cầu phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người yêu cầu; tên của cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu thi hành án; họ tên, địa chỉ của người được thi hành án và người phải thi hành án; nội dung của việc thi hành án; thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án (nếu có); ngày, tháng, năm làm đơn; chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn, trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân (nếu có). Trường hợp người yêu cầu thi hành án trực tiếp trình bày bằng lời nói thì cơ quan thi hành án dân sự phải lập biên bản có các nội dung như đơn yêu cầu, có chữ ký của các bên có liên quan, biên bản này có giá trị như đơn yêu cầu. Nếu do sự kiện bất khả kháng hoặc xảy ra trở ngại khách quan mà không thể yêu cầu thi hành án dân sự đúng thời hạn thì đương sự phải trình bày rõ lí do của việc không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn và gửi kèm các tài liệu chứng minh, cụ thể đối với từng trường hợp như sau:
– Đối với trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng là thiên tai, hỏa hoạn, địch họa xảy ra tại địa phương hoặc do đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có giấy xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú cuối cùng hoặc nơi cư trú khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;
– Đối với trường hợp tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có tóm tắt hồ sơ bệnh án được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận và tài liệu kèm theo (nếu có);
– Đối với trường hợp do yêu cầu công tác nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc giấy cử đi công tác của cơ quan, đơn vị;
– Đối với trường hợp hợp nhất, sát nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi hình thức, chuyển giao bắt buộc, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp thì phải có văn bản hợp pháp chứng minh thời gian chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án;
– Đối với các trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan khác nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tài liệu hợp pháp khác để chứng minh.
Xác nhận của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải thể hiện rõ địa điểm, nội dung và thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.
Khi nhận được đơn yêu cầu của đương sự và tài liệu kèm theo, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra nội dung yêu cầu và các tài liệu kèm theo, vào sổ nhận yêu cầu thi hành án và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu. Nếu việc yêu cầu thi hành án quá hạn thuộc các trường hợp được khôi phục thời hiệu thì ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án và thụ lý đơn yêu cầu thi hành án. Trong trường hợp việc yêu cầu thi hành án quá hạn không phải do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì thời hiệu yêu cầu thi hành án không được khôi phục, cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.
II. Đánh giá quy định của pháp luật hiện hành về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự
Các quy định của pháp luật hiện hành về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự nói riêng, thi hành án dân sự nói chung, là một cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thi hành án dân sự. Việc triển khai và thực hiện Luật đã góp phần làm cho công tác thi hành án dân sự có những chuyển biến tích cực, bảo đảm cho bản án, quyết định thi hành đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn có những bất cập cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn áp dụng để các quy định của luật có thể điều chỉnh được những quan hệ thi hành án dân sự phát sinh trong xã hội, cụ thể:
Một là, theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự, đương sự có quyền yêu cầu thi hành án dân sự khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; trong khi đó, tại khoản 2 Điều 2 Luật này cũng quy định trong một số trường hợp, bản án, quyết định vẫn được tổ chức thi hành mặc dù chưa có hiệu lực pháp luật như: Thi hành án về cấp dưỡng, trả công lao động, trợ cấp thôi việc… bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần, nhằm kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích cho người được thi hành án. Vấn đề đặt ra là nếu như khoản 1 Điều 30 chỉ quy định thời điểm bắt đầu được thực hiện quyền yêu cầu thi hành án là khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì trường hợp bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay, đương sự có phải đợi đến thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mới được thực hiện quyền yêu cầu không? Câu trả lời là không, vì trái với quy định tại khoản 2 Điều 2, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án. Do đó, việc quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự được tính từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là chưa đầy đủ, gây khó khăn cho việc xác định quyền yêu cầu thi hành án của đương sự.
Hai là, mục đích của quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án chính là để giới hạn thời gian thực hiện quyền (yêu cầu thi hành án) của các đương sự, tương ứng với quyền của người yêu cầu là nghĩa vụ của bên bị yêu cầu. Đối với người phải thi hành án, việc thực hiện quyền yêu cầu thi hành án cũng chính là việc tự nguyện thực hiện nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo bản án, quyết định củạ Toà án, do vậy, không cần thiết phải hạn chế thời gian để người phải thi hành án tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình. Việc quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự là cần thiết, tuy nhiên, thời hiệu này chỉ áp dụng đối với người được thi hành án, còn đối với nguời phải thi hành án không nên quy định thời hiệu. Như vậy, người phải thi hành án cũng như gia đình của họ không bị hạn chế thời gian khi muốn thực hiện trách nhiệm của mình khi có điều kiện thi hành án bằng hình thức tích cực lao động sản xuất để tiết kiệm một khoản tiền thi hành án.
III. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Thứ nhất, để đảm bảo việc áp dụng hiệu quả và thống nhất quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự, nên sửa quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự theo hướng: “Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực thi hành án, đương sự có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án”. Việc sửa đổi quy định theo nội dung trên là phù hợp và đảm bảo tính khoa học, vì sử dụng thuật ngữ “hiệu lực thi hành án” được hiểu là hiệu lực thi hành của bản án, quyết định nói chung, bao gồm cả trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (hiệu lực thi hành án đương nhiên) và bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật nhưng có hiệu lực thi hành trên thực tế ngay. Với quy định này đảm bảo tính phù hợp với các quy định tương ứng, cũng như đảm bảo việc nhận thức và áp dụng thống nhất trong hoạt động thi hành án dân sự nói chung.
Thứ hai, nên sửa đổi Điều 30 Luật Thi hành án dân sự theo hướng tách riêng thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự của người được thi hành án và thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự của người phải thi hành án.
– Thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự của người được thi hành án là 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
– Không quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự đối với người phải thi hành án kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực thi hành án, khi người phải thi hành án dân sự tự nguyện thi hành án mà người được thi hành án không nhận thì trong thời hạn nhất định cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định sung công quỹ nhà nước.
Trên đây là những tìm hiểu về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự, từ đó có cái nhìn tổng quan hơn về thi hành án dân sự nói chung. Việc pháp luật quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự không chỉ có ý nghĩa bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự mà còn đảm bảo cho việc tổ chức thi hành án được thuận lợi, tránh được những trường hợp việc xét xử đã lâu đương sự mới yêu cầu thi hành án dân sự gây khó khăn cho cơ quan thi hành án dân sự trong việc xác minh tài sản, địa chỉ của người phải thi hành án,…
Chuyên viên pháp lý – Văn phòng Luật sư Hoàng Phát
(Bài viết này thuộc về Văn phòng Luật sư Hoàng Phát, nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng trích nguồn khi sử dụng. Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Mọi ý kiến thắc mắc về bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail luathoangphat@gmail.com.)
Bài viết cùng chủ đề
- Chính quyền quận Long Biên lạm dụng quyền ( cưỡng chế đất), phá nhà dân trước tết vì lợi ích nhóm
- "Quả bóng được đá qua nhiều sân" - Chính quyền huyện Đông Anh đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm
- Toà án tỉnh Phú Thọ tuyên phạt tù "chung thân" đối với Hoàng Thanh Hải phạm tội "Mua bán trái phép chất ma túy"
- Một số vấn đề Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung và làm rõ
- Phân biệt hộ gia đình theo quy định của Luật Đất đai và Luật Cư trú
- Tính lại thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự trong trường hợp thụ lý yêu cầu khởi kiện bổ sung