• Hotline: 0878198555
  • Email: luathoangphat@gmail.com

Một số vấn đề về đánh giá chứng cứ trong chứng minh tội phạm “Vô ý làm lộ bí mật nhà nước” (P2)


PHẦN II. ĐÁNH GIÁ CHỨNG CỨ TRONG CHỨNG MINH TỘI VÔ Ý LÀM LỘ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

Phân tích cấu thành tội phạm tội Vô ý làm lộ bí mật nhà nước (Điều 338 BLHS)

“Điều 338. Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước

  1. Người nào vô ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
  3. a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật, tuyệt mật;
  4. b) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
  5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

*Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của chủ thể là lỗi vô ý. Người phạm tội không mong muốn cũng như không chấp nhận việc bí mật nhà nước bị lộ, bị mất.

*Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của hai tội danh này được quy định tại Điều 338 BLHS năm 2015, sđbs năm 2017: Hành vi làm lộ bí mật nhà nước.

Hành vi làm lộ bí mật nhà nước là hành vi để người không có trách nhiệm biết được bí mật nhà nước qua đọc được, nghe được, sao chép được… Đó có thể là hành vi của người có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước (cán bộ lưu trữ, bảo vệ bí mật nhà nước, người được giao nhiệm vụ tiếp xúc với bí mật nhà nước) đã vi phạm các quy định của Nhà nước về cất giữ, bảo quản, bảo vệ bí mật nhà nước, làm cho người khác (người không có trách nhiệm, không được phép) biết được bí mật nhà nước.

Hành vi làm lộ bí mật nhà nước còn có thể là hành vi của công dân bình thường ngẫu nhiên biết được thông tin thuộc bí mật nhà nước hoặc ngẫu nhiên có được vật (chứa bí mật nhà nước), tài liệu bí mật nhà nước nhưng không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm, không cất giữ cẩn thận nên người khác (người không có trách nhiệm, không được phép) biết được bí mật nhà nước.

Đánh giá chứng cứ trong chứng minh tội Vô ý làm lộ bí mật nhà nước

Tội Vô ý làm lộ bí mật nhà nước được cấu thành từ hành vi làm lộ, lọt dẫn đến kết quả bị mật nhà nước bị người khác (người không có trách nhiệm, không được phép) biết được, hay nói cách khác là hành vi làm lộ, lọt và kết quả làm lộ bí mật nhà nước có mối quan hệ nhân quả với nhau. Khi đánh giá chứng cứ để chứng mình tội Vô ý làm lộ bí mật nhà nước cần lưu ý đến điểm này.

*Về hành vi làm lộ, lọt. Căn cứ theo Điều 5 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, các hành vi lộ, lọt bao gồm:

  1. Làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.
  2. Thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước trái pháp luật; sao, chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao, nhận, thu hồi, tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trái pháp luật.
  3. Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ trái pháp luật.
  4. Lợi dụng, lạm dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước, sử dụng bí mật nhà nước để thực hiện, che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
  5. Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu.
  6. Truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu.
  7. Chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước khi chưa loại bỏ bí mật nhà nước.
  8. Sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép.
  9. Đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông.

Như vậy, để xác định có dấu hiệu của tội Vô ý làm lộ bí mật nhà nước hay không, cần phải xem xét đánh giá chứng cứ thật kỹ lưỡng, làm rõ các vấn đề: Bí mật nhà nước bị lộ là từ nguồn nào?, bí mật nhà nước bị lộ thông qua cách thức như thế nào?, ai là người làm lộ bí mật?.

Ví dụ: Nếu bí mật nhà nước bị lộ thông qua một bức ảnh chụp tài liệu. Cần phải xác minh bức ảnh này bị lộ qua nguồn nào? (qua tin nhắn trao đổi trên các ứng dụng nhắn tin như zalo, facebook, telegram; bị đăng tải trên mạng internet…), được gửi/đăng tải từ địa chỉ id nào?, bí mật nhà nước bị lộ thông qua cách thức nào, có thuộc một trong những hành vi đã nêu tại Điều 5 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước hay không?, người làm lộ bí mật là người có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước (cán bộ lưu trữ, bảo vệ bí mật nhà nước, người được giao nhiệm vụ tiếp xúc với bí mật nhà nước) hay là người khác (người không có trách nhiệm, không được phép) biết được bí mật nhà nước?, nếu là người khác (người không có trách nhiệm, không được phép) biết được bí mật nhà nước là người làm lộ thì từ đâu mà người này biết được bí mật đó.

*Về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi làm lộ và kết quả bí mật nhà nước bị lộ.

Để đánh giá bị can có phạm tội Vô ý làm lộ bí mật nhà nước hay không cần phải xem xét, phân tích tổng hợp và toàn diện toàn bộ chứng cứ. Dù có hành vi làm lộ, lọt (là một trong những hành vi đã nêu tại Điều 5 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước), có kết quả là bí mật nhà nước bị người khác (người không có trách nhiệm, không được phép) biết được cũng không thể kết luận luôn bị can là người có tội được. Có thể sẽ có rất nhiều trường hợp xảy ra.

Thứ nhất, bị can là người thực hiện hành vi làm lộ, lọt và bí mật nhà nước bị người khác biết được và gây hậu quả nghiêm trọng. => Bị can là người phạm tội

Thứ hai, bị can là người thực hiện hành vi làm lộ, lọt và bí mật nhà nước không bị người khác biết được hoặc bị lộ nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. =>Bị can vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021.

Tuy nhiên đây chỉ là đánh giá tương đối, để xác định bị can là người phạm tội hay chỉ vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước cần căn cứ vào nhiều yếu tố: hành vi làm lộ, lọt trên thực tế là hành vi nào và mức độ nghiêm trọng của hậu quả.

Thứ ba, bị can không phải là người thực hiện hành vi làm lộ, lọt. Trong trường hợp này thì dù bí mật có bị lộ hay không cũng không thể kết luận bị can là người phạm tội.

Đánh giá chứng cứ là một việc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong tố tụng hình sự, bởi lẽ nó có ảnh hưởng mang tính quyết định đến việc xác định tội phạm. Nếu đánh giá chứng cứ không toàn diện, chính xác sẽ có thể dẫn đến oan sai hoặc gây bỏ lọt tội phạm.

(Bài viết này thuộc về Văn phòng Luật sư Hoàng Phát, vui lòng trích nguồn khi sử dụng. Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Mọi ý kiến thắc mắc về bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail luatsuhoangphat@gmail.com)

DỊCH VỤ NỔI BẬT

Zalo Phone Messenger