• Hotline: 0878198555
  • Email: luathoangphat@gmail.com

Một số vấn đề về đánh giá chứng cứ trong chứng minh tội phạm “Vô ý làm lộ bí mật nhà nước” (P1)


PHẦN I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐÁNH GIÁ CHỨNG CỨ TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự bao gồm:

  1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
  2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;
  3. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;

Những đặc điểm về nhân thân của người phạm tội có ảnh hưởng trực tiếp đến tội phạm (những đặc điểm mang tính chất pháp lý) như phạm tội lần đầu hay đã có tiền án, tái phạm hay tái phạm nguy hiểm, có tính chất chuyên nghiệp; là người thành niên hay chưa thành niên; có thái độ tự thú hoặc hối cải, lập công chuộc tội hay ngoan cố không chịu nhận tội?

  1. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;

Hậu quả của tội phạm là thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho những quan hệ xã hội là khách thể bảo vệ của BLHS thể hiện dưới các dạng: thiệt hại về vật chất, thể chất, tinh thần. Tính chất của thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho phép phân biệt tội phạm ở nhóm này với tội phạm ở nhóm khác trong BLHS hiện hành.

Đánh giá thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra tùy thuộc vào cấu thành từng tội phạm cụ thể để xác định. Ví dụ: Đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia là mức độ ảnh hưởng đến sự vũng mạnh của chính quyền nhân dân, các thẻ chế chính trị, xã hội. Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người thì sự thiệt hại chính là số người chết, số người bị thương, mức độ tổn hại sức khỏe về dạnh dự, nhân phẩm.

  1. Nguyên nhân và điều kiện phạm tội;

Mục đích đấu tranh, phòng chống tội phạm không chỉ phát hiện, điều tra để xử lý nghiêm minh người phạm tội, mà quan trọng là tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nhằm loại trừ tội phạm ra khỏi đời sống xã hội. Vì vậy, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm phải thu thập tài liệu chứng cứ để làm rõ nguyên nhân và điều kiện tội phạm để kiến nghị với Nhà nước, các cơ quan chức năng để khắc phục. Ví dụ thông qua các vụ đại án liên quan đến hoạt động ngân hàng, tài chính đã kiến nghị Chính phủ sắp xếp lại hệ thống ngân hành tín dụng, kiểm soát, ngăn chặn sở hữu chéo.

  1. Những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.

Chương IV BLHS quy định 7 trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, cụ thể: sự kiện bất ngờ, tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ; thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên. Điều 29 BLHS quy định căn cứ miễn trách nhiệm hình sự.

Đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự là tổng hợp những sự kiện và tình tiết của vụ án phải được xác định bằng chứng cứ. Nó có vai trò rất quan trọng trong việc xác định tội phạm có xảy ra hay không và nếu có tội phạm xảy ra, thì quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết và các hoạt động điều tra theo tố tụng để làm rõ vụ án, phục vụ truy tố và xét xử tội phạm. Điều đó có nghĩa, chứng cứ là phương tiện khẳng định các sự kiện, hiện tượng có ý nghĩa đối với vụ án hình sự, đồng thời cũng khẳng định những sự kiện, hiện tượng không phải là tội phạm xảy ra trong thực tế.

Chứng cứ là gì?

Chứng cứ là một trong những chế định quan trọng của pháp luật tổ tụng hình sự: Đế giải quyết đúng đắn vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải xác định sự việc phạm tội và người thực hiện hành vi phạm tội. Quá trình thực hiện hành vi phạm tội là quá trình đã xảy ra trong quá khứ, muốn hình dung, tái hiện được diễn biến của nó cơ quan tiến hàng tố tụng phải dựa vào chứng cứ của vụ án. Xét về bản chất, chứng cứ là những thông tin, tài liệu hay những gì có thật được cơ quan tiến hành tố tung thu thập, kiếm tra và đánh giá theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự.

Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.”

Trên cơ sở các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Cơ quan điều tra, Viện kiêm sát, Toà ở án đã thu thập chứng cứ bằng cách:

– Triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan, trumg cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác theo quy dịnh của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp những tài liệu, đồ vật, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.

Để thu thập chứng cứ, Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có quyền thực hiện các hoạt động điều tra, như khám xét, thu giữ, tạm giữ, đồ vật, tài liệu; khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; xem xét dấu vết của thân thể; đối chất; nhận dạng; nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra; áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự…

Để thu thập chứng cứ, trong những trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát cũng có thể trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự.

Thuộc tính của chứng cứ

+ Tính khách quan của chứng cứ trong tố tụng hình sự:

Chứng cứ được dùng là những tài liệu, sự kiện có thật, phản ánh trung thực những tình tiết của vụ án đã xảy ra, không bị xuyên tạc, bóp méo theo ý chí chủ quan của con người. Tính khách quan đòi hỏi bản thân các nguồn thông tin này phải có thật, không phụ thuộc vào khả năng con người có nhận biết chúng hay không. Tính khách quan còn thể hiện ở chỗ những gì là suy đoán, tưởng tượng, không có thật thì không phải là chứng cứ. Tính khách quan của chứng cứ trong tố tụng hình sự bắt đầu từ thời điểm chứng cứ được sinh ra.

+ Tính liên quan của chứng cứ trong tố tụng hình sự:

Có thể thấy, chứng cứ phải là cơ sở để xác định sự tồn tại hay không tồn tại của những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự, có mối quan hệ nội tại với những tình tiết, nội dung của vụ án. Nếu những gì tồn tại khách quan nhưng không liên quan đến vụ án thì không phải là chứng cứ.

+ Tính hợp pháp của chứng cứ trong tố tụng hình sự:

Tính hợp pháp của chứng cứ trong tố tụng hình sự thể hiện ở chỗ chứng cứ phải được rút ra từ những phương tiện chứng minh và được thu thập, kiểm tra, đánh giá theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Tính hợp pháp của chứng cứ được xác định nhằm đảm bảo giá trị chứng minh của chứng cứ.

=>Những gì được coi là chứng cứ trong vụ án hình sự phải thỏa mãn đầy đủ ba thuộc tính trên. Nếu xét mối quan hệ nội tại giữa các thuộc tính của chứng cứ thì tính khách quan và tính liên quan là nội dung của chứng cứ còn tính hợp pháp là hình thức của chứng cứ.

Điều 87, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về Nguồn chứng cứ bao gồm:

1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:

a)Vật chứng;

b) Lời khai, lời trình bày;

c)Dữ liệu điện tử;

d)Kết luận giám định, định giá tài sản;

đ)Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

e)Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;

g)Các tài liệu, đồ vật khác.

2. Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.

Thẩm quyền đánh giá chứng cứ trong Tố tụng Hình sự

Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án.

Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm người tiến hành tố tụng và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bao gồm những chủ thể sau:

+ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra;

+ Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên;

+Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên.

Phương thức đánh giá chứng cứ trong Tố tụng Hình sự

Đánh giá chứng cứ là hoạt động tư duy logic của cơ quan tiến hành tố tụng và những người có thẩm quyền trên cơ sở các quy định của pháp luật nhằm xác định thuộc tính của chứng cứ và giá trị chứng minh của tổng  hợp các chứng cứ đã thu thập trong vụ án hình sự.

Đánh giá chứng cứ được xem là giai đoạn cuối cùng của quá trình chứng minh nhằm rút ra các kết luận về việc giải quyết vụ án trên cơ sở đánh giá các chứng cứ đã được thu thập trong quả trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Việc đánh giá chứng cứ trong vụ án hình sự sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sử dụng chứng cứ, đó là cơ sở để nhận định và kết luận về các vấn đề cụ thể mà ta cần giải quyết để làm rõ vụ án hình sự. Đánh giá chứng cứ còn là công việc được tiến hành thường xuyên trong suốt quá trình tiến hành tố tụng đối với vụ án và là yếu tố có ý nghĩa quyết định đổi với việc giải quyết vụ án. Chứng cứ được đánh giá theo quy định của pháp luật và mặt khác những kết luận được rút ra từ việc đánh giá chứng cứ lại là cơ sở để cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ra các quyết định, áp dụng các điều khoản để giải quyết vụ án.

Nguyên tắc đánh giá chứng cứ được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự được thể hiện ở một số điểm cơ bản sau:

+ Một là, việc đánh giá chứng cứ độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nguyên tắc này xuất phát từ nguyên tắc hiến định về sự độc lập xét xử của toà án. Không ai được can thiệp cũng như xác định trước giá trị chứng minh của bất kỳ chứng cứ nào khi các cơ quan tiến hành tố tụng chưa tiến hành việc đánh giá và có kết huận cụ thể về vụ án.

+ Hai là, đánh giá chứng cứ phải trên cơ sở quy định của pháp luật hình sự cũng như pháp luật tố tụng hình sự. Chỉ trên cơ sở các quy định của Bộ luật hình sự về tội phạm và cấu thành tội phạm cụ thể mới xác định đúng đối tượng chứng minh và giới hạn chứng minh; trên cơ sở quy định của Bộ luật tố tụng hình sự để đảm bảo được tính xác thực tính hợp pháp và tính liên quan của chứng cứ.

+ Ba là, việc đánh giá chứng cứ phải được đánh giá một cách tổng hợp, khách quan, đầy đủ theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Để đáp ứng được nguyên tắc này, cần phải sử dụng phương pháp đánh giá đối với từng chứng cứ trước khi đánh giá toàn bộ chứng cứ. Có như vậy mới xem xét vụ án một cách khách quan, hạn chế được sự suy đoán không cần thiết, gây lạc hướng cho vấn đề điều tra. Sau đó mới tiến hành tổng hợp, liên hệ với nhau trên cơ sở thống nhất để đưa ra những suy luận logic nhằm giải quyết vụ án một cách nhanh chóng nhất.

+ Bốn là, đánh giá chứng cử riêng lẻ để xác định được tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp của chứng cứ.

+ Năm là, tổng hợp chứng cứ sau khi đánh giá xong từng chứng cứ. Việc đánh giá tổng hợp chứng cứ nằm xác định đúng đắn giới hạn chứng minh và kết luận.

Phương thức đánh giá chứng cứ: Nếu đánh giá đúng giá trị chứng minh của chứng cứ thì góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan của

Để đánh giá chứng cứ một cách có hiệu quả, cần thực hiện các công việc:

– Nghiên cứu hồ sơ, kiểm tra các chứng cứ đã thu thập được; Xác định mối quan hệ giữa các chứng cứ, có cần thiết phải bổ sung không;

– Chứng cứ có được thu thập từ nguồn tin cậy không và cơ sở nào thể hiện sự tin cậy?

– Xác định nhóm chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội, các chứng cứ có giá trị buộc tội, các chứng cứ có giá trị gỡ tội, các chứng cứ chứng minh đồng phạm;

– Xác định các nhóm chứng cứ để xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật khác có liên quan.

Còn tiếp.

(Bài viết này thuộc về Văn phòng Luật sư Hoàng Phát, vui lòng trích nguồn khi sử dụng. Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Mọi ý kiến thắc mắc về bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail luatsuhoangphat@gmail.com)

DỊCH VỤ NỔI BẬT

Zalo Phone Messenger