Có được thế chấp bằng quyền đòi nợ hay không?
Anh Nguyễn Văn A đã gửi câu hỏi đến Văn phòng Luật sư Hoàng Phát như sau: “Xin chào luật sư. Hai năm trước, tôi cho em trai tôi vay một khoản tiền lớn, có ký giấy vay nợ đầy đủ. Tuy nhiên, khi đến hạn trả, vì thời gian dịch bệnh kéo dài, việc làm ăn kinh doanh của em trai tôi gặp nhiều khó khăn nên chưa thể trả nợ. Vì ngại đòi nợ em trai, nhưng tôi cũng đang trong giai đoạn khó khăn, vậy tôi có thể thế chấp quyền đòi nợ trên để có tiền kinh doanh được không? Xin cảm ơn luật sư.”\
Văn phòng Luật sư Hoàng Phát xin được trả lời câu hỏi trên của anh như sau:
Quyền đòi nợ là một quyền dân sự của chủ thể được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, giúp bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện một nghĩa vụ tài sản đối với mình. Quyền đòi nợ được sử dụng để yêu cầu bên có nghĩa vụ phải trả tài sản phát sinh từ hợp đồng hoặc sự kiện pháp lý hoặc do pháp luật quy định. Đối tượng của quyền đòi nợ là một khoản nợ, theo đó nó mang tới cho người chủ sở hữu quyền đòi nợ có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện một nghĩa vụ tài chính đối với bên có quyền.
1.Quyền đòi nợ là gì?
Quyền đòi nợ hiện không được định nghĩa tại Bộ luật Dân sự năm 2015 mà thay vào đó, được đề nghị đến tại Nghị định 21/2021/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phù ban hành ngày 19/03/21 về việc quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Cụ thể, quyền đòi nợ được đề cập đến tại Điều 14 Nghị định 21/2021/NĐ-CP về quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng.
Có thể hiểu một cách đơn giản, quyền đòi nợ là quyền tài sản dùng để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ dân sự. Khoản 2 Điều 450 Bộ luật Dân sự cũng đề cập đến quyền đòi nợ trong mua bán quyền tài sản như sau: “2. Trường hợp quyền tài sản là quyền đòi nợ và bên bán cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ thì bên bán phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán, nếu khi đến hạn mà người mắc nợ không trả.”.
Như vậy, quyền đòi nợ hay chính là quyền tài sản là một trong các tài sản được quy định tại Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự bên cạnh tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá.
2. Thế chấp bằng quyền đòi nợ có được không?
Bởi quyền đòi nợ là một trong các quyền tài sản khác cũng như được coi là tài sản theo Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, căn cứ định nghĩa thế chấp tài sản nêu tại Điều 317 Bộ luật Dân sự thì hoàn toàn được quyền thế chấp bằng quyền đòi nợ.
Theo đó, thế chấp bằng quyền đòi nợ là việc bên thế chấp dùng quyền đòi nợ thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không trao quyền đòi nợ đó cho bên nhận thế chấp. Đồng thời, Điều 14 Nghị định 21/2021/NĐ-CP cũng khẳng định, bên có quyền trong hợp đồng được dùng quyền đòi nợ hoặc các khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán khác… để bảo đảm thực hện nghĩa vụ trong đó có thế chấp.
Tuy nhiên, để tham gia vào giao dịch thế chấp, quyền đòi nợ cần đảm bảo các điều kiện sau:
Thứ nhất, quyền đòi nợ phải phát sinh từ những giao dịch hợp pháp. Điều kiện này đòi hỏi, để trở thành đối tượng của biện pháp thế chấp, giao dịch làm phát sinh quyền đòi nợ đó phải có hiệu lực pháp luật và phải đáp ứng đủ các điều kiện của một giao dịch dân sự có hiệu lực quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 bao gồm: Chủ thể có năng lực hành vi dân sự; xác lập giao dịch tự nguyện; mục đích và nội dung giao dịch không vi phạm điều cấm của luật; hình thức xác lập giao dịch.
Thứ hai, quyền đòi nợ thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp. Bên thế chấp quyền đòi nợ thường là chính bên có nghĩa vụ hoặc là người thứ ba mà người này dùng quyền đòi nợ của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên khác.
Thứ ba, quyền đòi nợ không phải là đối tượng bị tranh chấp về quyền sở hữu. Tài sản thế chấp không những chắc chắn thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp mà còn phải chắc chắn rằng tài sản đó không có tranh chấp.
3.Trình tự thực hiện thế chấp bằng quyền đòi nợ như thế nào?
Việc xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ được Chính phủ hướng dẫn tại Điều 54 Nghị định 21/2021/NĐ-CP và tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN do Bộ Tư pháp – Bộ Tài nguyên và Môi trường – Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 06/06/2014 về việc hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm. Cụ thể như sau:
Bước 1: Bên nhận thế chấp gửi văn bản thông báo xử lý quyền đòi nợ cho bên có nghĩa vụ ít nhất trước 07 ngày làm việc và một trong các giấy tờ sau:
– Bản sao của hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ có chứng nhận của tổ chức hành nghề công chứng
– Bản chính hợp đồng thế chấp (trong trường hợp không công chứng)
– Bản chính giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền đòi nợ được cấp bởi cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.
Bước 2: Bên có nghĩa vụ trả nợ thanh toán khoản nợ cho bên nhận thế chấp trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo xử lý quyền đòi nợ:
– Thời điểm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quyền đòi nợ xảy ra trước khi xử lý quyền đòi nợ theo hợp đồng thế chấp: Bên trả nợ phải chuyển khoản tiền nợ vào tài khoản do bên có nghĩa vụ trả nợ mở tại ngân hàng theo chỉ định của bên nhận thế chấp.
Đồng thời, bên nhận thế chấp được quyền yêu cầu phong tỏa tài khoản này và chỉ được yêu cầu giải tỏa để xử lý khi đến thời điểm xử lý tài sản thế chấp. Song song với đó, bên có nghĩa vụ trả nợ cũng không được yêu cầu giải tỏa và giao dịch với số tiền này kể từ thời điểm nộp tiền vào tài khoản.
– Nếu thời điểm thực hiện nghĩa vụ trả nợ xảy ra sau khi xử lý quyền đòi nợ theo hợp đồng thế chấp thì bên nhận thế chấp được yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ phải thanh toán khoản nợ đó cho mình tại thời điểm nghĩa vụ trả nợ đến hạn và không được yêu cầu bên thế chấp thanh toán khi chưa đến hạn trừ có thỏa thuận khác.
Như vậy, từ các căn cứ nêu trên, quyền đòi nợ hay chính là quyền tài sản là một trong các tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự bên cạnh tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá, anh hoàn toàn có thể thế chấp quyền đòi nợ của mình để có tiền tiếp tục hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, anh cũng cần lưu ý về khả năng trả nợ của em trai mình để có sự định giá phù hợp với quyền đòi nợ này.
Bài viết cùng chủ đề
- Thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế
- Giải quyết tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con – Bất cập và kiến nghị
- Pháp luật về hợp đồng điện tử - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
- Hoàn thiện quy định về năng lực chủ thể tham gia hợp đồng mua bán nhà ở xã hội
- Năm 2023, hàng hóa, dịch vụ nào được khuyến mại, dùng để khuyến mại?
- Người được trợ giúp pháp lý đề nghị thay đổi người trợ giúp pháp lý trong trường hợp nào? Mẫu đơn đề nghị thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý mới nhất?
- Thời hạn thực hiện tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân là 24 tháng có đúng không? Được kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ trong trường hợp nào?
- Con nuôi và con ruột ai được ưu tiên hưởng thừa kế theo pháp luật? Thứ tự ưu tiên thanh toán khi chia thừa kế được quy định như thế nào?
- Cho vay nặng lãi chưa thu lợi bất chính do nguyên nhân ngoài ý muốn thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
- Kết hôn trái pháp luật là gì? Vấn đề chia tài sản sau khi kết thúc quan hệ hôn nhân trái pháp luật