Biểu thuế là gì ? Khái niệm về biểu thuế
Bài viết dưới đây sẽ làm rõ các vấn đề liên quan đến thuế, Vai trò của thuế, Thuế theo tỷ lệ (proportional taxation); Thuế suất cố định và biểu thuế; các loại thuế suất được sử dụng thường xuyên hiện nay…
1. Thuế là gì?
Theo từ điển bách khoa toàn thư, Thuế là một khoản phí tài chính bắt buộc hoặc một số loại thuế khác áp dụng cho người nộp thuế (một cá nhân hoặc pháp nhân) phải trả cho một tổ chức chính phủ để tài trợ cho các khoản chi tiêu công khác nhau. Việc không trả tiền, cùng với việc trốn tránh hoặc chống lại việc nộp thuế, sẽ bị pháp luật trừng phạt. Thuế bao gồm thuế trực tiếp hoặc gián tiếp và có thể được trả bằng tiền hoặc tương đương với giá trị lao động của nó. Lần đánh thuế đầu tiên được biết đến diễn ra ở Ai Cập cổ đại vào khoảng năm 3000-2900 TCN.
Hầu hết các quốc gia đều có một hệ thống thuế để trả cho các nhu cầu quốc gia, chung hoặc thỏa thuận và các chức năng của chính phủ. Một số đánh thuế tỷ lệ phần trăm cố định đối với thu nhập hàng năm của cá nhân, nhưng hầu hết các loại thuế dựa trên số tiền thu nhập hàng năm. Hầu hết các quốc gia đều đánh thuế thu nhập cá nhân cũng như thuế thu nhập doanh nghiệp. Các quốc gia hoặc tiểu đơn vị cũng thường áp thuế tài sản, thuế thừa kế, thuế bất động sản, thuế quà tặng, thuế bán hàng, thuế lương hoặc thuế quan.
Theo nghĩa về kinh tế, thuế chuyển sự giàu có từ các hộ gia đình hoặc doanh nghiệp cho chính phủ. Điều này có tác dụng vừa có thể làm tăng và giảm tăng trưởng kinh tế và phúc lợi kinh tế. Do đó, thuế là một chủ đề gây tranh luận cao.
=> Các khoản thu thuế được tập trung vào Ngân sách nhà nước là những khoản thu nhập của nhà nước được hình thành trong quá trình nhà nước tham gia phân phối của cải xã hội dưới hình thức giá trị. Thuế có những đặc điểm sau:
Thuế là tiền đề cần thiết để duy trì quyền lực chính trị và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước.
Thuế dựa vào thực trạng của nền kinh tế (GDP, chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất, thu nhập, lãi suất,…).
Thuế được thực hiện theo nguyên tắc hoàn trả không trực tiếp là chủ yếu.
2. Vai trò của thuế
Thuế có những vai trò sau:
Thứ nhất, thuế là nguồn thu của ngân sách nhà nước
Một nền tài chính quốc gia lành mạnh phải dựa chủ yếu vào nguồn thu từ nội bộ nền kinh tế quốc dân. Tất cả các nhu cầu chi tiêu của Nhà nước đều được đáp ứng qua các nguồn thu từ thuế, phí và các hình thức thu khác như: vay mượn, viện trợ nước ngoài, bán tài nguyên quốc gia, thu khác…. Song thực tế các hình thức thu ngoài thuế đó có rất nhiều hạn chế, bị ràng buộc bởi nhiều điều kiện. Do đó thuế được coi là khoản thu quan trọng nhất vì khoản thu này mang tính chất ổn định và khi nền kinh tế càng phát triển thì khoản thu này càng tăng. Ở Việt Nam, Thuế thực sự trở thành nguồn thu chủ yếu của Ngân sách Nhà nước từ năm 1990. Điều này được thể hiện qua tỷ trọng số thuế trong tổng thu ngân sách.
Thứ hai, thuế là công cụ góp phần điều chỉnh các mục tiêu kinh tế vĩ mô
Chính sách thuế được đặt ra không chỉ nhằm mang lại số thu đơn thuần cho ngân sách mà yêu cầu cao hơn là qua thu góp phần thực hiện chức năng việc kiểm kê, kiểm soát, quản lý hướng dẫn và khuyến khích phát triển sản xuất, mở rộng lưu thông đối với tất cả các thành phần kinh tế theo hướng phát triển của kế hoạch nhà nước, góp phần tích cực vào việc điều chỉnh các mặt mất cân đối lớn trong nền kinh tế quốc dân.
3. Khái quát biểu thuế
Biểu thuế là bảng tập hợp các loại thuế suất do Nhà nước quy định để tính thuế cho các đối tượng chịu thuế (hàng hoá, dịch vụ, thu nhập, tài sản…).
Thuế suất được quy định trong biểu thuế dưới hai hình thức: thuế suất tỉ lệ và thuế suất cố định.
Thuế suất tỉ lệ là hình thức thuế suất mà mức thuế được xác định theo tỈ lệ phần trăm giá trị hoặc theo số tuyệt đối trên đơn vị đo lường hiện vật của đối tượng chịu thuế; ví dụ: Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 28% thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.
Thuế suất cố định là hình thức thuế suất mà mức thuế phải thu được xác định bằng số tuyệt đối theo các bậc của đối tượng tính thuế.
Biểu thuế gồm biểu thuế cố định, biểu thuế với thuế suất tỉ lệ đều và biểu thuế luỹ tiến từng phần hoặc toàn bộ, biểu thuế luỹ tiến thoái.
Biểu thuế thông thường gồm các bậc thuế suất khác nhau nhưng thuế suất áp dụng không thay đổi theo sự tăng lên hay giảm xuống của đối tượng tính thuế.
Biểu thuế lũy tiến bao gồm các bậc thuế suất khác nhau nhưng thuế suất áp dụng tăng lên theo sự tăng lên của đối tượng tính thuế. Biểu thuế lũy tiến có hai loại: biểu thuế lũy tiến toàn phần và biểu thuế lũy tiến từng phần. Biểu thuế lũy tiến toàn phần bao gồm các thuế suất nhưng thuế suất áp dụng thay đổi theo mức cao hơn đối với toàn bộ đối tượng tính thuế nếu đối tượng tính thuế thuộc bậc quy định. Biểu thuế lũy tiến từng phần bao gồm các thuế suất nhưng thuế suất áp dụng thay đổi theo mức cao hơn đối với từng phần của đối tượng tính thuế nếu đối tượng tính thuế thuộc bậc quy định.
4. Thuế theo tỷ lệ (proportional taxation)
Theo từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân của Nguyễn Văn Ngọc, Thuế theo tỷ lệ (proportional taxation) là cơ cấu thuế trong đó thuế được đánh theo thuế suất không thay đổi khi thu nhập tăng, chẳng hạn thuế thu nhập tỷ lệ bằng 10% được áp dụng cho mức thu nhập nhập hiện tại và bất cứ khoản thu nhập tăng thêm nào. Trong chế độ thuế này, người có thu nhập thấp và thu nhập cao phải nộp thuế bằng một tỷ lệ trong thu nhập như nhau.
Thuế tính theo tỷ lệ là một loại thuế lũy thoái vì thuế suất không tăng khi số thu nhập chịu thuế tăng lên, gây gánh nặng tài chính cao hơn cho các cá nhân có thu nhập thấp. Thuế được cho là có tính lỹ thoái nếu thuế mang tác động trung bình ít hơn đối với các cá nhân hoặc doanh nghiệp có thu nhập cao hơn.
Những người phản đối thuế theo tỷ lệ nói rằng người có thu nhập cao hơn phải trả phần trăm cao hơn so với người nộp thuế nghèo hơn. Họ nhận thấy hệ thống thuế này như đặt gánh nặng đáng kể cho người có thu nhập trung bình và cho rằng họ phải gánh vác một phần lớn chi tiêu của chính phủ. Trong khi tỷ lệ phần trăm của thuế là như nhau, có thể được coi là công bằng, thì ảnh hưởng sau thuế đối với người có thu nhập thấp là nặng nề hơn so với người có thu nhập cao.
Những người ủng hộ thuế tỷ lệ lại cho rằng chúng có lợi. Hệ thống thuế này khuyến khích tăng trưởng kinh tế khi các cá nhân và doanh nghiệp tìm kiếm thu nhập cao hơn mà không bị phạt tiền cao hơn, giống trường hợp trong hệ thống thuế lũy tiến. Ngoài ra, một hệ thống thuế theo tỷ lệ dễ hiểu và được áp dụng trong thực tế, vì không có vấn đề gì phải xem về thuế suất.
Để hiểu một hệ thống thuế theo tỷ lệ, điều quan trọng là phải xem xét nó định nghĩa thu nhập như thế nào. Nếu một hệ thống có các khoản khấu trừ rộng rãi, thì những người có thu nhập thấp có thể được miễn thuế, do đó loại trừ, ít nhất là một phần khía cạnh lũy thoái của thuế.
5. Thuế suất cố định
Thuế suất là mức thuế phải thu do Nhà nước quy định. Thuế suất gồm hai loại: thuế suất tỉ lệ và thuế suất định mức.
Thuế suất tỉ lệ xác định mức thuế phải thu theo tỉ lệ phần trăm của đối tượng tính thuế. Ví dụ: Mức thuế suất thuế GTGT 5%, 10%, 0% được tính trên thành tiền.
Thuế suất cố định xác định mức thuế phải thu theo số thu cụ thể. Ví dụ: mức thu thuế của hộ kinh doanh cá thể, được áp dụng bằng 1 số cụ thể hàng năm,hàng tháng hay hàng Quý.
Có 6 loại thuế suất thuế được sử dụng thường xuyên hiện nay, đó là:
- Thuế suất thuế thu nhập cá nhân
- Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
- Thuế suất thuế giá trị gia tăng
- Thuế suất thuế bảo vệ môi trường
- Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt
- Thuế suất thuế xuất nhập khẩu
Thuế suất cố định là hình thức thuế suất mà mức thuế phải thu được xác định bằng số tuyệt đối theo các bậc của đối tượng tính thuế: ví dụ: thuế sử dụng đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm trước đây với đất hạng một là 550 kg thóc/ha/năm.
Dưới đây trình bày chi tiết về các loại thuế suất được sử dụng thường xuyên hiện nay,
a. Thuế suất thuế thu nhập cá nhân
Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được áp dụng theo biểu thuế suất lũy tiến từng phần.
Thuế suất luỹ tiến từng phần là biểu thuế gồm nhiều bậc, ứng với mỗi bậc của cơ sở thuế là một mức thuế suất tương ứng, theo đó, thuế suất tăng dần theo từng bậc thuế. Thuế được tính từng phần theo bậc thuế và mức thuế suất tương ứng của từng bậc, số thuế phải nộp là tổng số thuế tính cho từng bậc.
b. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là mức thuế mà doanh nghiệp phải nộp trên một đơn vị khối lượng chịu thuế. Tỷ lệ thuế suất dựa trên khối lượng thu nhập hay tài sản chịu thuế (đơn vị: %).
Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định tại điều 11 Thông tư 78/2014/TT-BTC và điều 11, 12 Thông tư 96/2015/TT-BTC. Cụ thể, kể từ ngày 1/1/2016 trở đi tất cả các doanh nghiệp sẽ áp dụng mức thuế là 20% và mức thuế suất mới này vẫn được áp dụng cho đến nay. Ngoại trừ các doanh nghiệp đặc thù có mức thuế suất từ 32% – 50%
Ngoài ra, có những trường hợp ưu đãi mà thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ còn 10% và 17%.
c. Thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng tại Việt Nam đang áp dụng 03 mức thuế suất, đó là: 0%, 5%, 10%
Mức thuế suất 10% có thể coi là mức thuế suất chuẩn, áp dụng cho các hàng hóa, dịch vụ thông thường.
Mức thuế suất 5% áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ ưu đãi, khuyến khích phát triển, đầu tư. Các sản phẩm thiết yếu, các sản phẩm công nghiệp nặng hoặc công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dịch vụ công cộng,… đều nằm trong diện ưu đãi, khuyến khích phát triển. Những đối tượng được quy định trong khoản luật này đa số thuộc diện cần ưu tiên phát triển, phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của xã hội đặc biệt là nền nông nghiệp.
Thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, không phân biệt đối tượng và hình thức xuất khẩu. Mức thuế suất này được áp dụng đối với cả hoạt động xuất khẩu tại chỗ, các dịch vụ xuất khẩu khi đáp ứng đủ điều kiện pháp luật.
d. Thuế suất thuế bảo vệ môi trường
Thuế suất thuế bảo vệ môi trường là thuế suất tuyệt đối, nghĩa là mức thuế được ấn định bằng một mức tuyệt đối dựa trên đơn vị vật lý của cơ sở thuế.
e. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt
Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là mức tương đối, có nghĩa là mức thuế được tính bằng một tỉ lệ phần trăm trên một đơn vị giá trị đối tượng chịu thuế.
Ví dụ: Thuế tiêu thụ đặc biệt của rượu mạnh được tính bằng tỉ lệ 75% trên giá tính thuế.
Thuế suất của một số mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt có sự thay đổi theo chiều hướng tăng.
f. Thuế suất thuế xuất nhập khẩu
Thuế xuất khẩu, nhập khẩu là loại thuế gián thu. Thu vào các mặt hàng được phép xuất, nhập khẩu qua biên giới Việt Nam. Tổng số thuế phải nộp cho một lô hàng bao gồm nhiều loại thuế khác nhau. Ví dụ như: Thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo hộ/chống bán phá giá,…
Để xác định mức thuế suất của từng mặt hàng các bạn tra trong biểu thuế xuất khẩu do Bộ Tài Chính ban hành.
Trân trọng!
Bài viết cùng chủ đề
- Chính quyền quận Long Biên lạm dụng quyền ( cưỡng chế đất), phá nhà dân trước tết vì lợi ích nhóm
- "Quả bóng được đá qua nhiều sân" - Chính quyền huyện Đông Anh đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm
- Toà án tỉnh Phú Thọ tuyên phạt tù "chung thân" đối với Hoàng Thanh Hải phạm tội "Mua bán trái phép chất ma túy"
- Một số vấn đề Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung và làm rõ
- Phân biệt hộ gia đình theo quy định của Luật Đất đai và Luật Cư trú
- Tính lại thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự trong trường hợp thụ lý yêu cầu khởi kiện bổ sung