Sự khác nhau giữa giải thể doanh nghiệp và tạm ngừng kinh doanh
Căn cứ pháp lý
– Luật doanh nghiệp 2020
– Nghị định 01/2021/NĐ-CP về Đăng ký doanh nghiệp
Nội dung
- Giải thể doanh nghiệp là gì? Tạm ngừng kinh doanh là gì?
Tạm ngừng kinh doanh là việc doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định. Lúc này, doanh nghiệp vẫn tồn tại nhưng không được phép ký hợp đồng, xuất hóa đơn hay bất cứ hoạt động kinh doanh phát sinh giao dịch nào khác. Thời gian mỗi lần tạm ngừng theo luật định tối đa là 01 năm và được gia hạn thêm 01 năm tiếp theo.
Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
Giải thể doanh nghiệp là việc doanh nghiệp chấm dứt hoạt động theo ý chí của doanh nghiệp hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trước khi giải thể doanh nghiệp phải đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp đó.
- Phân biệt giải thể doanh nghiệp và tạm ngừng kinh doanh
Thứ nhất, về các trường hợp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động
- Các trường hợp giải thể doanh nghiệp: Khoản 1 Điều 207 Luật doanh nghiệpquy định về các trường hợp giải thể doanh nghiệp như sau:
– Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
– Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
– Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
– Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.
- Các trường hợp tạm ngừng kinh doanh: Điều 206 Luật doanh nghiệp quy định về các trường hợp tạm ngừng hoạt động kinh doanh như sau:
– Theo quyết định của doanh nghiệp
– Theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện về kinh doanh theo quy định của pháp luật hoặc theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, môi trường,…
Thứ hai, về hậu quả pháp lý khi thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp và tạm ngừng kinh doanh
- Hậu quả pháp lý khi thực hiện thủ tục giải thể: Khi thực hiện giải thể thì doanh nghiệp sẽ chấm dứt sự tồn tại sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp đó.
- Hậu quả pháp lý khi thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh: Tạm ngừng kinh doanh không làm chấm dứt hoàn toàn hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ tạm ngừng kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định, hết thời hạn đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoạt động bình thường.
Thứ ba, về thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp và tạm ngừng kinh doanh
- Thủ tục giải thể doanh nghiệp: Thủ tục giải thể doanh nghiệp phức tạp và tốn rất nhiều thời gian so với việc tạm ngừng hoạt động doanh nghiệp. Bởi lẽ, doanh nghiệp phải thực hiện thanh toán hết các khoản nợ và hoàn tất các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trước khi chấm dứt sự tồn tại. Trước khi giải thể, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đóng mã số thuế tại cơ quan thuế quản lý và thông báo lên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia về tình trạng doanh nghiệp đang thực hiện thủ tục giải thể.
- Thủ tục tạm ngừng kinh doanh: Thủ tục tạm ngừng tương đối đơn giản hơn so với việc giải thể doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ cần Thông báo về việc tạm ngừng hoạt động lên Cơ quan Đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày doanh nghiệp bắt đầu tạm ngừng hoạt động.
Nói chung, việc giải thể doanh nghiệp hay tạm ngừng kinh doanh đều khiến doanh nghiệp không thể tiếp tục thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu như tạm ngừng hoạt động khiến doanh nghiệp ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định thì giải thể sẽ khiến cho doanh nghiệp chấm dứt luôn sự hoạt động.
Thứ tư, trình tự thủ tục pháp lý khi tiến hành tạm ngừng kinh doanh thường nhanh chóng và đơn giản hơn so với trình tự thủ tục pháp lý khi tiến hành giải thể doanh nghiệp. Trong đó:
Thủ tục giải thể doanh nghiệp:
Bước 1: Doanh nghiệp phải làm thủ tục chấm dứt hoạt động các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh (nếu có).
Bước 2: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua quyết định giải thể, Doanh nghiệp gửi thông báo về việc giải thể đến Phòng Đăng ký kinh doanh.
Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin về việc doanh nghiệp đăng ký giải thể cho cơ quan thuế. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin của Phòng Đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế gửi ý kiến về việc giải thể của doanh nghiệp đến Phòng đăng ký kinh doanh.
Bước 4: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Phòng Đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng giải thể nếu không nhận được ý kiến từ chối của cơ quan thuế, đồng thời ra Thông báo về việc giải thể của doanh nghiệp.
Bước 5: Doanh nghiệp trả con dấu, Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu cho cơ quan công an để được cấp giấy chứng nhận đã thu hồi con dấu (nếu có).
Thủ tục tạm ngừng kinh doanh:
Bước 1: Doanh nghiệp gửi thông báo bằng văn bản cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng kinh doanh.
Bước 2: Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận hồ sơ cho doanh nghiệp sau khi tiếp nhận thông báo tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp.
Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc doanh nghiệp đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh.
Trình tự thủ tục giải thể doanh nghiệp phức tạp hơn so với tạm ngừng kinh doanh. Xuất phát từ lí do, doanh nghiệp giải thể làm chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp đó trên thị trường, nên để nhằm hạn chế việc doanh nghiệp giải thể nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ hay nghĩa vụ thuế, doanh nghiệp phải đảm bảo hoàn thành trả nợ và nghĩa vụ tài chính với cơ quan nhà nước. Do đó, để giải thể doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục trong nội bộ doanh nghiệp cũng như tại nhiều cơ quan khác nhau (Như cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan Hải quan…)
Như vậy, khi giải thể, doanh nghiệp chấm dứt tồn tại, do đó, doanh nghiệp phải đảm bảo khả năng chi trả các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp. Trong khi đó, tạm ngừng kinh doanh giúp doanh nghiệp giảm thiểu gánh nặng về tiền lương cho người lao động, thuế và các nghĩa vụ khác. Do đó, trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp có thể tập trung giải quyết những khó khan của doanh nghiệp, tìm cách huy động vốn để tái cơ cấu doanh nghiệp. Trường hợp có thể hoạt động sớm hơn thời hạn tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh về việc hoạt động trước thời hạn. Ngược lại, trường hợp sau thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp nhận thấy không thể tiếp tục hoạt động có thể lựa chọn giải thể doanh nghiệp.
Trên đây là những đặc điểm khác biệt về giải thể doanh nghiệp và tạm ngừng kinh doanh. Nếu bạn còn bất cứ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ với Văn phòng luật sư Hoàng Phát để được tư vấn và hỗ trợ.