• Hotline: 0878198555
  • Email: luathoangphat@gmail.com

Các yếu tố xã hội ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng pháp luật


Xây dựng pháp luật là một trong những hình thức hoạt động cơ bản nhất của Nhà nước nhằm tạo ra công cụ, phương tiện hữu hiệu, phục vụ công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Đây là hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các tổ chức xã hội được Nhà nước trao quyền nhằm soạn thảo và ban hành các bộ luật, các văn bản quy phạm pháp luật khác. Nói một cách khái quát, hoạt động xây dựng pháp luật là hoạt động soạn thảo, ban hành các luật, văn bản luật bao gồm từ khâu nghiên cứu, soạn thảo, thông qua và công bố văn bản.

Hoạt động xây dựng pháp luật là hoạt động mang tính sáng tạo, thể hiện quá trình nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn các quy luật xã hội. Thông qua việc sử dụng các quy tắc đặc thù của kĩ thuật lập pháp, Nhà nước chuyển ý chí của các giai cấp, tầng lớp nhân dân thành chuẩn mực có tính bắt buộc thực hiện chung. Các chuẩn mực đó được chứa đựng trong các hình thức văn bản pháp luật hoặc văn bản quy phạm pháp luật dưới luật. Vậy nên hoạt động xây dựng pháp luật còn gọi là hoạt động sáng tạo pháp luật.

Chủ thể của hoạt động xây dựng pháp luật

Xét về mặt chủ thể, ở nước ta hiện nay, tham gia hoạt động xây dựng pháp luật bao gồm không chỉ các cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền (Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp), mà còn các tổ chức chính trị – xã hội được giao những nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý nhà nước (Mặt trân Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,…).

Nhân dân là chủ thể rộng rãi của hoạt động xây dựng pháp luật. Tính tích cực, sáng tạo của nhân dân được thể hiện rõ nét trong các cuộc vận động đóng góp ý kiến vào những văn bản pháp luật, kiến nghị bổ sung, sửa đổi văn bản cho phù hợp hơn với thực tế cuộc sống.

Hoạt động xây dựng pháp luật ở nước ta có nhiệm vụ thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ, nhất quán và kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đường lối, chủ trương của Đảng vừa chỉ đạo hoạt động xây dựng pháp luật, vừa là nội dung của hoạt động này. Các cơ quan của Đảng cũng tham gia tích cực vào hoạt động xây dựng pháp luật theo cả hai nghĩa trên.

Quy trình hoạt động xây dựng pháp luật

Quá trình xây dựng pháp luật không thuần túy chỉ là các thủ tục chính thức của việc xem xét, phê chuẩn và thông qua các văn bản pháp luật mà nó còn bao gồm việc nêu các sáng kiến luật, đề xuất các dự án luật, khảo sát xã hội học về các khía cạnh liên quan đến quy tắc pháp luật, soạn thảo dự thảo văn bản luật,… Các công đoạn đó đòi hỏi sự đầu tư về thời gian, nhân công, kinh phí và được triển khai theo các giai đoạn cụ thể.

Giai đoạn thứ nhất, nêu sáng kiến, đều xuất yêu cầu về sự cần thiết phải ban hành một bộ luật, luật mới hoặc sửa đổi một văn bản pháp luật hiện hành.

Giai đoạn thứ hai, soạn thảo dự án văn bản quy phạm pháp luật theo sáng kiến đã được thông qua.

Giai đoạn thứ ba, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, thảo luận và thông qua dự án luật.

Giai đoạn thứ tư, là giai đoạn cuối cùng của hoạt động xây dựng pháp luật, công bố văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.

Các yếu tố xã hội ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng pháp luật

1. Năng lực soạn thảo các dự án luật

Chất lượng của hoạt động xây dựng pháp luật, mà cụ thể là tính khả thi, hiệu lực và hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật được ban hành phụ thuộc rất nhiều vào năng lực soạn thảo các dự án luật. Vì vậy đây là yếu tố có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến hoạt động xây dựng pháp luật. Vấn đề này liên quan đến các khía cạnh cụ thể sau đây:

Nhận thức của các chủ thể hoạt động xây dựng pháp luật về tầm quan trọng, sự cần thiết của văn bản quy phạm pháp luật cần xây dựng, ban hành, về trách nhiệm của chủ thể ở tất cả các khâu, các bước, từ đề xuất, kiến nghị xây dựng chính sách, chương trình làm luật cho đến soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, xem xét, thông qua văn bản quy phạm pháp luật…đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến chất lượng của văn bản pháp luật. Sự nhận thức đúng đắn, đầy đủ hay mờ nhạt, nửa vời sẽ quy định thái độ tích cực hay tiêu cực, nhiệt tình, hăng hái hay thờ ơ, lãnh đạm của các chủ thể khi tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật. Đến lượt mình, sự nhận thức này sẽ tác động đến năng lực soạn thảo và chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành.

Trình độ hiểu biết xã hội, sự am hiểu nhất định của các chủ thể tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật về lĩnh vực quan hệ xã hội đang cần có pháp luật điều chỉnh có tác động rất quan trọng đến chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật. Nếu các chủ thể có được sự hiểu biết đầy đủ, sâu sắc về các mặt, khía cạnh cụ thể của lĩnh vực quan hệ xã hội đang cần có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, từ tình trạng thực tế, nguyên nhân phát sinh, tồn tại của vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra cho đến các nhân tố văn hóa – xã hội ảnh hưởng đến vấn đề đó thì chủ thể sẽ đề xuất được những quy phạm, chuẩn mực sát với thực tế, dự liệu được những khả năng, tình huống phát sinh trong tương lai để đề ra các quy phạm pháp luật đón trước mà không cần phải chờ đợi sự kiện, vấn đề đó phát sinh mới xây dựng pháp luật. Ngược lại, sự hiểu biết hời hợt, nông cạn về thực trang các quan hệ xã hội là nguyên nhân làm cho văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có thể bị xa rời thực tiễn, không phát huy được hiểu quả, tác dụng trong điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Tri thức, hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật của các chủ thể tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật là yếu tố tác động mạnh mẽ đến chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Nó là cơ sở để các chủ thể nêu lên sáng kiến luật, lập đề nghị xây dựng luật, phân tích hình thức, nội dung, cấu trúc các các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật xem chúng đã hợp lý chưa, chỉ ra tính hợp hiến hay không hợp hiến, sự trùng lặp hay không trùng lặp so với các văn bản đã được ban hành; đã bao quát được hết những khả năng, tình huống có thể xảy ra hay còn bộc lộ những khe hở, thiếu hụt,…Nhờ có kiến thức, hiểu biết pháp luật, khi chủ thể xây dựng pháp luật sẽ chú trọng xem xét, đánh giá những điểm nêu trên trong quá trình soạn thảo dự án luật, cho ra đời những văn bản quy phạm pháp luật tốt, có chất lượng cao, ngược lại cũng có thể nhìn thấy sự chồng chéo, thiếu động bộ trong dự thảo.

Thực tế chỉ ra rằng, trong một số trường hợp, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã bộc lỗ những bất cập hoặc nhanh chóng trở nên lạc hậu so với yêu cầu của cuộc sống chính là do năng lực soạn thảo các dự án luật của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng pháp luật còn hạn chế, trình độ hiểu biết xã hội, hiểu biết pháp luật còn thấp, chưa có chuyên gia làm việc chuyên nghiệp trong lĩnh vực này. Ví dụ, quy định tại Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 qua 5 năm triển khai thực hiện đã bộc lộc bất cập, như quy định các nội dung về đánh giá tác động của chính sách còn chung chung, chưa cụ thể (về phương pháp đánh giá tác động chính sách, công cụ thu thập số liệu và thông tin phục vụ đánh giá tác động…) nên khi thực hiện, cả Trung ương và địa phương đều lúng túng; quy định về lấy ý kiến và góp ý kiến nghị về đề nghị xây dựng VBQPPL mặc dù quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ trì, tuy nhiên chưa quy định cụ thể về giám sát cơ quan chủ trì trong việc tổ chức lấy ý kiến, tiếp nhận, phản hồi đối với những góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; quy định về thời gian ban hành văn bản quy định chi tiết chưa phù hợp; chưa quy định việc xây dựng, ban hành Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo trình tự, thủ tục rút gọn,….

2. Thông tin đại chúng

Theo Điều 3, Thông tư số 38/2017/TT-BTTTT ngày 13 tháng 12 năm 2017 về Hướng dẫn cơ quan báo chí xây dựng chương trình, nội dung phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định: “Phương tiện thông tin đại chúng là phương tiện được cơ quan báo chí sử dụng để cung cấp, truyền dẫn thông tin tới đông đảo công chúng bao gồm các đài phát thanh, đài truyền hình, báo in, báo điện tử và trang/Cổng thông tin điện tử”. Với chức năng của mình, các phương tiện thông tin đại chúng ảnh hưởng rất mạnh mẽ và quan trọng tới hoạt động xây dựng pháp luật, thể hiện ở những điểm cơ bản sau:

Phương tiện thông tin đại chúng cung cấp đầy đủ, đa dạng các sự việc, sự kiện, hiện tượng pháp lý xảy ra trong đời sống chính trị – xã hội … nên từ đó, cung cấp được các tri thức cần thiết cho các chủ thể của hoạt động xây dựng pháp luật, phản ảnh các kì họp của Quốc hội, tiếp xúc cử chi của các Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp … và cung cấp những hiểu biết pháp luật cơ bản, cần thiết, những diễn biến của hoạt động xây dựng pháp luật cho người dân. Có thể thấy, phượng tiện thông tin đại chúng đã tác động tới nhận thức của chủ thể xây dựng pháp luật, tạo cơ sở thông tin để các tầng lớp trong xã hội tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật.

Phương tiện thông tin đại chúng đăng tải những thông tin về những chính sách pháp luật của nhà nước, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật mới và đưa các thông tin đó nhanh chóng đến được với đông đảo tầng lớp nhân dân. Các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo diễn đàn ngôn luận công khai để các chủ thể của hoạt động xây dựng pháp luật tham gia bình luận, phân tích, đóng góp ý kiến về hình thức, nội dung, cấu trúc của văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, các phương tiện thông tin đại chúng cũng sẽ đăng tải những thông tin phản hồi, các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân cho hoạt động xây dựng pháp luật. Bằng cách tác động đó, các phương tiện thông tin đại chúng giúp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền tập hợp thông tin, xử lý và tiếp thu có chọn lọc các ý kiến xác đáng phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung, ngày càng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật.

Các phương tiện thông tin đại chúng có vai trò định hướng thông tin pháp luật, tạo lập các luồng dư luận xã hội tích cực phản ánh hoạt động xây dựng pháp luật; góp phần đấu tranh chống lại các âm mưu phá hoại, luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch về nội dung, bản chất hệ thống pháp luật nhà nước ta; củng cố niềm tin của nhân dân vào bản chất ưu việt của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Một ví dụ điển hình về sự tác động của phương tiện thông tin đại chúng tới hoạt động xây dựng pháp luật đó là hoạt động xây dựng dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Trước tình trạng các cá nhân, cơ quan ngôn luận không chính thống tuyên truyền các thông tin sai lệch, đi ngược lại với tinh thần của Nhà nước cũng như lợi ích của toàn xã hội. Trong bối cảnh đó, các tờ báo, trang web chính thống phát huy vai trò của mình trong định hướng thông tin pháp luật, tạo các nguồn dư luận tích cực, đấu tranh chống lại các thế lực xấu. Có thể kể đến như trang web Dự thảo online; trang web này không chỉ cung cấp thông tin chi tiết, nội dung dự thảo mà còn là diễn đàn để người dân bày tỏ ý kiến, tham gia góp ý, đánh giá dự thảo.

3. Dư luận xã hội

Dư luận xã hội là tập hợp các ý kiến thái độ có tính chất phán xét, đánh giá của các nhóm xã hội hay của xã hội nói chung trước vấn đề mang tính thời sự có liên quan đến lợi ích chung, thu hút được sự quan tâm của nhiều người và được thể hiện trong các nhận định và hành động thực tiễn của họ.

Dư luận xã hội có vai trò và tác động quan trọng đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, như kinh tế, chính trị, đạo đức, pháp luật, văn hóa,…trong số đó phải kể đến sự tác động, ảnh hưởng của dư luận xã hội đến hoạt động xây dựng pháp luật, thể hiện ở các phương diện sau:

Dư luận xã hội là sự thể hiện lợi ích chung thông qua tiếng nói chung của nhân dân nên nó là điều kiện cần thiết để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, mở rộng nền dân chủ xã hội, tích cực tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật. Các tầng lớp nhân dân là chủ thể rộng rãi của hoạt động xây dựng pháp luật. Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân nên mọi hoạt động của Nhà nước, đặc biệt là xây dựng pháp luật phải luôn có sự tham gia của nhân dân. Quần chúng càng tham gia tích cực, pháp luật càng được xây dựng hoàn thiện, rõ ràng. Đồng thời, Hiến pháp nước ta cũng khẳng định nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và thiết lập cơ chế đảm bảo việc thực thi quyền lực nhà nước phải phục vụ cho lợi ích của nhân dân và luôn nằm dưới sự kiểm soát của nhân dân.

Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua hai hình thức cơ bản là dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Dân chủ trực tiếp là hình thức nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí và nguyện vọng của mình. Đây là hình thức hữu hiệu tạo cho nhân dân khả năng tham gia tích cực và chủ động vào hoạt động xây dựng pháp luật. Quốc hội đã thông qua Luật Trưng cầu ý dân số 96/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, trong đó quy định rõ những vấn đề quan trọng của đất nước cần được đưa ra trưng cầu ý dân. Dân chủ đại diện là hình thức nhân dân bầu ra cơ quan đại diện, là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, là các cơ quan trực tiếp nhận quyền lực từ nhân dân.

Dư luận xã hội là nguồn thông tin phản hồi có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực đối với quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đối với việc ban hành các quyết định của cá nhân, nhà chức trách có thẩm quyền. Để có các văn bản pháp luật sát thực tế, các văn bản hành chính nhà nước đúng đắn, có tính khả thi cao, trước khi xây dựng, soạn thảo các dự án luật hay ban hành các quyết định, các cơ quan, chủ thể lập pháp phải nắm bắt được thực trạng tư tưởng tâm lý của các đối tượng xã hội chịu tác động trực tiếp của quy phạm pháp luật. Mọi vướng mắc, lệch lạc trong quá trình triển khai thực hiện các văn văn bản quy phạm pháp luật đều được bộc lộ qua dư luận xã hội. Dư luận xã hội là một trong những cơ sở thông tin phản hồi giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra các văn bản, quyết định phù hợp với lòng dân, phát hiện những thiếu hụt, những khe hở trong các văn bản pháp luật, giúp cho Nhà nước phát hiện và kịp thời bổ sung, điều chỉnh những khiếm khuyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình xây dựng pháp luật, góp phần hoàn thiện hoạt động xây dựng pháp luật.

Dư luận xã hôi không mang tính pháp lý nhưng có sức mạnh to lớn trong việc định hướng và điều chỉnh hành vi, hoạt động của các thành viên trong xã hội. Trong hoạt động xây dựng pháp luật, các cá nhân và nhà chức trách có thẩm quyền, với tư cách chủ thể xây dựng pháp luật phải biết lắng nghe dư luận xã hội một cách nghiêm túc và phân tích nó một cách khoa học để rút ra được những kết luận chính xác về thực trạng của những lĩnh vực xã hội đang cần có pháp luật điều chỉnh. Nhờ đó, Nhà nước có thể ban hành pháp luật một cách kịp thời, đồng bộ và hiệu quả, tác động đúng phạm vi, đúng đối tượng cần điều chỉnh, góp phần tăng cường vai trò và hiệu lực của công tác quản lý xã hội bằng pháp luật.

Năm 2018, cả nước ta xôn xao bởi dự thảo luật đặc khu kinh tế. Dư luận xã hội lúc ấy bùng nổ. Hàng trăm ngàn bài viết trên mạng xã hội với nhiều luồng ý kiến, có những bài viết ủng hộ, tuy nhiên nhiều hơn cả là phản đối, kêu gọi xuống đường biểu tình chống đối. Có thể nói lúc ấy trong lòng mọi người dân Việt Nam đều là nỗi lo lắng mất nước. Tuy nhiên, sau khi gặp phải những ý kiến phản đối gay gắt của dư luận xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kịp thời cho biết sẽ điều chỉnh. Đứng trước những vấn đề xây dựng pháp luật, thì các nhà làm luật luôn lắng nghe dư luận xã hội để từ đó có thể thấy được những khiếm khuyết của dự thảo, xây dựng pháp luật một cách có hiệu quả nhất, đáp ứng đc nguyện vọng của người dân.

(Bài viết này thuộc về Văn phòng Luật sư Hoàng Phát, vui lòng trích nguồn khi sử dụng. Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Mọi ý kiến thắc mắc về bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail luathoangphat@gmail.com.)

DỊCH VỤ NỔI BẬT

Zalo Phone Messenger