• Hotline: 0878198555
  • Email: luathoangphat@gmail.com

Quy định của pháp luật về chuyển nhượng cổ phần trong CTCP


Công ty cổ phần là loại hình đặc trưng của công ty đối vốn. Ra đời từ cuối thế kỉ XVI ở các nước tư bản phát triển, công ty cổ phần đáp ứng nhu cầu khách quan của lịch sử với những đặc tính riêng biệt của mình. Trong suốt tiến trình phát triển, công ty cổ phần luôn giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế thế giới, đồng thời trở thành loại hình doanh nghiệp phổ biến trên toàn cầu, mà trong đó vấn đề chuyển nhượng cổ phần là một trong những điểm nổi bật của loại hình doanh nghiệp này.

Khái quát chung về Công ty cổ phần (CTCP)

Định nghĩa về Công ty cổ phần

CTCP là loại hình đặc trưng của công ty đối vốn. Vốn của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần, người sở hữu cổ phần gọi là cổ đông. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty cho đến hết giá trị cổ phần mà họ sở hữu. Mỗi cổ phần mang lại cho cổ đông những quyền lợi và nghĩa vụ nhất định trong công ty với tư cách họ là những người sở hữu công ty.

Đặc điểm của Công ty cổ phần

Những đặc điểm cơ bản của CTCP gồm có:

Thứ nhất, về tính chất khi thành lập, CTCP là công ty đối vốn, có nghĩa là khi thành lập công ty chủ yếu quan tâm đến vốn góp còn việc ai góp vốn không quan trọng. CTCP có cấu trúc vốn mở.

Thứ hai, vốn điều lệ của CTCP được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Giá trị mỗi cổ phần gọi là mệnh giá cổ phần và được phản ánh trong cổ phiếu. Một cổ phiếu có thể phản ánh mệnh giá của một hay nhiều cổ phần. Việc góp vốn vào công ty được thực hiện bằng cách mua cổ phần, mỗi cổ đông có thể mua nhiều cổ phần.

Thứ ba, về thành viên của công ty, pháp luật chỉ quy định số thành viên tối thiểu mà không quy định số thành viên tối đa. Hiện nay, theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, số thành viên tối thiểu của CTCP là 03.

Thứ tư, tính tự do chuyển nhượng phần vốn góp cũng là đặc điểm chỉ có ở CTCP (do bản chất đối vốn).

Thứ năm, về tính chịu trách nhiệm trong kinh doanh, CTCP chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty. Các cổ đông chỉ chịu TNHH về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

Thứ sáu, về huy động vốn, trong quá trình hoạt động CTCP có quyền phát hành cổ phần các loại, có quyền phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các loại trái phiếu khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

Thứ bảy, CTCP có tư cách pháp nhân và vì vậy công ty cũng có tư cách thương nhân (thương nhân bởi hình thức). Các cổ đông hay những người quản trị công ty đều không có tư cách thương nhân. Những người có quyền giao dịch với bên ngoài là những người đại diện của công ty.

CTCP có cơ cấu tổ chức rất chặt chẽ do những đặc điểm như đã trình bày đòi hỏi phải có cơ cấu quản trị chuyên nghiệp, tách bạch với chủ sở hữu.

Các quy định pháp luật về chuyển nhượng cổ phần trong Công ty cổ phần

Điều kiện để chuyển nhượng cổ phần

a, Phân loại cổ phần

Căn cứ theo Điều 113 – Luật Doanh nghiệp năm 2014, có 2 loại cổ phần là cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định CTCP phải có cổ phần phổ thông, người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông. Loại cổ phần này thể hiện tuyệt đối quyền làm chủ công ty.

Ngoài cổ phần phổ thông, CTCP còn có cổ phần ưu đãi, người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau:

+ Cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông, số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định.

+ Cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Cổ tức được chia hàng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng, cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi trên cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức.

+ Cổ phần ưu đãi hoàn lại là cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi trên cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại.

+ Cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định.

b, Điều kiện chuyển nhượng cổ phần

Các quy định của pháp luật về chuyển nhượng cổ phần trong CTCP:

Theo điểm d, khoản 1, Điều 110 – Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này.

Khoản 1, Điều 126 – Luật Doanh nghiệp năm 2014: “Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng”.

Khoản 3, Điều 119 – Luật Doanh nghiệp năm 2014: “Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó”.

Nhìn chung, về nguyên tắc cổ phần được tự do chuyển nhượng, không bị giới hạn về đối tượng được nhận chuyển nhượng cũng như giới hạn về số lượng cổ phần được chuyển nhượng. Điều đó có nghĩa là người sở hữu cổ phần có thể chuyển nhượng một phần hay toàn bộ số cổ phần mình nắm giữ cho người khác, nếu không thuộc các trường hợp mà pháp luật hoặc Điều lệ công ty hạn chế chuyển nhượng. Cụ thể:

Đối với cổ phần phổ thông:

Khoản 4, Điều 119 – Luật Doanh nghiệp năm 2014: “Các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các hạn chế của quy định này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty”.

Như vậy, Cổ đông được quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông. Tuy nhiên, đối với cổ đông sáng lập, trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, họ được tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải cổ đông sáng lập nếu có sự chấp nhận của Đại hội cổ đông. Trong trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó. Trường hợp Điều lệ công ty quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì họ cũng không được chuyển nhượng. Sau 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập sẽ được tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông mà không còn bị hạn chế. Ngoài ra, cổ phần phổ thông mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp (không phải 20 % tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp mà các cổ đông sáng lập cùng nhau đăng ký mua) không bị hạn chế chuyển nhượng trong 03 năm kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Quy định về cổ phần phổ thông này nhằm bảo vệ các nhà đầu tư. Đối với những công ty mới thành lập trong vài năm đầu, công ty mới đi vào hoạt động, chưa có nền tảng vững chắc, nếu làm ăn thua lỗ và có khả năng không hoạt động tiếp được, nếu cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông thuộc 20 % tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp mà các cổ đông sáng lập cùng nhau đăng ký mua, thì người được chuyển nhượng sẽ trở thành một cổ đông sáng lập. Khi đó, cổ đông sáng lập ban đầu có thể tự ý bỏ công ty và rũ bỏ trách nhiệm của mình, người chịu rủi ro chính là người đầu tư. Đây chính là quy định mang tính ràng buộc nghĩa vụ vật chất của cổ đông sáng lập đối với công ty và nhà đầu tư.

Đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết:

Khoản 3, Điều 113 – Luật Doanh nghiệp năm 2014: “Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông”.

Khoản 3, Điều 116 – Luật Doanh nghiệp năm 2014: “Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác”.

Theo như những điều khoản này người nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết trong CTCP chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Người sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết cho người khác. Nếu muốn chuyển nhượng phải chờ sau 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, khi cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.

Quy định như trên là do các cổ đông sáng lập có ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết, nếu được tự do chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết, người được chuyển nhượng có thể trở thành cổ đông sáng lập, có quyền biểu quyết các vấn đề thuộc quyền của Đại hội cổ đông. Nếu trường hợp người được chuyển nhượng là người không đủ năng lực tham gia biểu quyết các vấn đề quan trọng, thì công ty có khả năng đưa ra những quyết định không thực sự đúng đắn, phù hợp, thậm chí là sai lầm.

Đối với cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại, các cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định:

Theo điểm c, khoản 2, Điều 117 – Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định thì ngoài được ưu đãi trả cổ tức với mức cao hơn cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm, các quyền khác như cổ đông phổ thông.

Theo khoản 2, Điều 118 – Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định thì ngoài được ưu đãi hoàn lại vốn góp, các quyền khác như cổ đông phổ thông.

Như vậy, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 119 và khoản 1, Điều 126 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Tức là, cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần ưu đãi hoàn lại được phép tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nếu muốn chuyển nhượng cho người không phải cổ đông sáng lập thì phải có sự chấp thuận của Đại hội cổ đông. Sau 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì không bị hạn chế nữa. Ngoài ra, 2 loại cổ phần này cũng sẽ bị hạn chế chuyển nhượng nếu Điều lệ công ty quy định.

Còn đối với các cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định thì tùy theo từng công ty khác nhau sẽ có những quy định khác về loại cổ phần này.

Phương thức chuyển nhượng cổ phần

Theo khoản 2, Điều 126 – Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện ủy quyền của họ ký. Trường hợp chuyển nhượng thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán, trình tự, thủ tục và việc ghi nhận sở hữu thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán”, có 2 phương thức chuyển nhượng là được thực hiện bằng hợp đồng và thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán.

a, Phương thức chuyển nhượng cổ phần được thực hiện bằng hợp đồng

Việc chuyển nhượng cổ phần theo hợp đồng chuyển nhượng cần tuân theo các quy định của pháp luật.

Thứ nhất, về hồ sơ chuyển nhượng cổ phần: Đối với cổ đông là cá nhân, hồ sơ chuyển nhượng cổ phần bao gồm: Giấy đề nghị chuyển nhượng cổ phần; CMTND của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng; Sổ chứng nhận cổ phần của bên chuyển nhượng; Sổ chứng nhận cổ phần của bên nhận chuyển nhượng (nếu là cổ đông hiện hữu); Giấy ủy quyền có xác nhận của địa phương hoặc công chứng (trong trường hợp người chuyển nhượng không trực tiếp đến làm thủ tục chuyển nhượng). Đối với cổ đông là tổ chức, hồ sơ bao gồm: Giấy đề nghị chuyển nhượng cổ phần; Bản sao công chứng Đăng ký kinh doanh hiện hành (bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng); Sổ chứng nhận cổ phần của bên chuyển nhượng; Sổ chứng nhận cổ phần của bên nhận chuyển nhượng (nếu là cổ đông hiện hữu); Quyết định hợp pháp của tổ chức về việc cho phép chuyển nhượng cổ phiếu; Giấy ủy quyền của tổ chức cho người đại diện giao dịch chuyển nhượng (nếu người thực hiện giao dịch không phải là đại diện của tổ chức đó).

Hồ sơ chuyển nhượng là yêu cầu bắt buộc để chuẩn bị cho hoạt động chuyển nhượng cổ phần của cổ đông.

Thứ hai, về thủ tục chuyển nhượng cổ phần: Thủ tục chuyển nhượng cổ phần được tiến hành theo trình tự như sau:

+ Các bên liên quan ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

+ Tiến hành lập biên bản xác nhận về việc đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần.

+ Tổ chức cuộc họp Đại Hội đồng cổ đông để thông qua việc chuyển nhượng cổ phần (đối với trường hợp chuyển nhượng cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập).

+ Tiến hành chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông của công ty.

+ Tiến hành đăng ký thay đổi cổ đông theo quy định.

Chỉ khi nào thực hiện xong đầy đủ các thủ tục trên thì việc chuyển nhượng cổ phần mới hoàn thành một cách trọn vẹn.

Tuy nhiên, đây là hợp đồng chuyển nhượng thông thường. Với việc chuyển nhượng bằng tặng cho thì phải dùng hợp đồng tặng cho, hoặc chuyển nhượng cổ phần khi cổ đông chết thì lại cần những hợp đồng cá biệt khác. Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng phải tuân thủ theo các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Bộ luật Dân sự.

b, Phương thức chuyển nhượng cổ phần thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán

Với trường hợp chuyển nhượng thông qua giao dịch chứng khoán, các CTCP được bán cổ phần trên thị trường chứng khoán phải tuân thủ các quy định về tính minh bạch tài chính, khả năng sinh lời, phải được Ủy ban chứng khoán thẩm định và tuân thủ các quy tắc kiểm toán theo pháp luật chứng khoán quy đinh. Quy định này nhằm bảo vệ lợi ích của người mua cổ phần, sự can thiệp của Nhà nước trong việc thẩm định các CTCP đăng ký bán cổ phần là một chứng thực tin cậy đối với người mua.

Hậu quả pháp lý sau việc chuyển nhượng cổ phần

a, Đối với cổ đông chuyển nhượng

Cổ đông sau khi đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình cho người khác hoặc chết sẽ không còn là cổ đông của công ty, tức là không còn tên trong Sổ đăng kí cổ đông.

Trường hợp chỉ chuyển nhượng một số cổ phần được quy định tại khoản 6, Điều 126 – Luật Doanh nghiệp năm 2014:

Trường hợp cổ đông chuyển nhượng một số cổ phần thì cổ phiếu cũ bị hủy bỏ và công ty phát hành cổ phiếu mới ghi nhận số cổ phần đã chuyển nhượng và số cổ phần còn lại”.

Cổ phiếu là chứng chỉ do CTCP phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó (khoản 1, Điều 120 – Luật Doanh nghiệp năm 2014). Trường hợp cổ đông chuyển nhượng một số cổ phần thì việc xác nhận quyền sở hữu cổ phần trên cổ phiếu cũ không còn chính xác, nên cổ phiếu cũ bị hủy bỏ, công ty phát hành cổ phiếu mới, ghi nhận số cổ phần đã chuyển nhượng và số cổ phần còn lại.

b, Đối với người nhận chuyển nhượng

Khoản 7, Điều 126 – Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định:

Người nhận cổ phần trong các trường hợp quy định tại Điều này chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ quy định tại khoản 2 Điều 121 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông”.

Người nhận chuyển nhượng cổ phần sẽ trở thành cổ đông của công ty. Tuy nhiên, từ thời điểm thông tin của người nhận chuyển nhượng được quy định tại khoản 2, Điều 121 – Luật Doanh nghiệp năm 2014 được ghi đầy đủ vào Sổ đăng ký cổ đông, người đó mới chính thức trở thành cổ đông của công ty.

Các thông tin theo quy định tại khoản 2, Điều 121 – Luật Doanh nghiệp năm 2014 bao gồm: Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; Tổng số cổ phần được quyền chào bán, loại cổ phần được quyền chào bán và số cổ phần được quyền chào bán của từng loại; Tổng số cổ phần đã bán của từng loại và giá trị vốn cổ phần đã góp; Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cổ đông là cá nhân / tên, mã số doanh nghiệp hoặc số quyết định thành lập, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; Số lượng cổ phần từng loại của mỗi cổ đông, ngày đăng ký cổ phần.

Quy định này nhằm đảm bảo tính chặt chẽ trong việc quản lý cổ đông cũng như cổ phần của công ty. Khi trở thành cổ đông của công ty, người nhận chuyển nhượng được hưởng quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần cổ phần mà mình được chuyển nhượng.

c, Vốn điều lệ của công ty

Vốn điều lệ của công ty không có sự thay đổi bởi số lượng cổ phần được bảo toàn, không tăng lên hay giảm đi mà chỉ chuyển từ đối tượng sở hữu này sang đối tượng sở hữu khác.

Chuyển nhượng cổ phần trong các trường hợp đặc biệt

Theo các khoản 3, 4, 5 Điều 126 – Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định, thì:

Trường hợp cổ đông là cá nhân chết, cổ phần được coi là di sản thừa kế cổ đông đó để lại. Nếu không có di chúc hoặc không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế, số cổ phần đó sẽ được chia cho các hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế tại Bộ luật Dân sự.

Cổ đông có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình tại công ty cho người khác; sử dụng cổ phần để trả nợ. Trường hợp này, người được tặng cho hoặc nhận trả nợ bằng cổ phần sẽ là cổ đông của công ty.

(Bài viết này thuộc về Văn phòng Luật sư Hoàng Phát, vui lòng trích nguồn khi sử dụng. Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Mọi ý kiến thắc mắc về bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail luathoangphat@gmail.com.)

DỊCH VỤ NỔI BẬT

Zalo Phone Messenger