Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong TTDS
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể là một trong những vấn đề cơ bản của pháp luật nói chung, pháp luật tố tụng dân sự nói riêng. Trong pháp luật tố tụng dân sự nước ta, quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự từ lâu đã trở thành một nguyên tắc cơ bản, là tư tưởng chi phối đến việc xây dựng và áp dụng pháp luật về tố tụng dân sự.
Một số vấn đề lý luận về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong TTDS
1. Khái niệm quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
Theo từ điển Tiếng Việt, yêu cầu là “nêu ra điều gì với người nào đó, tỏ ý muốn người ấy làm, biết rằng đó là việc thuộc nhiệm vụ, trách nhiệm hoặc quyền hạn, khả năng của người ấy” hay là “điều cần phải đạt được trong một việc nào đó”. Yêu cầu của đương sự được hiểu là “những điều mà đương sự đưa ra trong quá trình tố tụng, mong muốn Tòa án xem xét, giải quyết”.
Quyền yêu cầu của đương sự là quyền TTDS cơ bản của cá nhân, cơ quan, tổ chức được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Đây là một trong những quyền rất cơ bản của đương sự trong TTDS, được ghi nhận ngay tại điều 4 BLTTDS 2015 về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp – một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật TTDS.
Có thể thể hiểu quyền yêu cẩu của đương sự như sau: “Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là quyền tố tụng dân sự cơ bản của cá nhân, cơ quan, tổ chức được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiên. Theo đó, nguyên đơn có quyền khởi kiện vụ án dân sự, người yêu cầu có quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đưa ra yêu cầu độc lập nhằm đề nghị Tòa án xem xét thụ lý giải quyết vụ việc dân sự để bảo vệ quyền lợi của mình theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định”.
2. Cơ sở của việc xây dựng các quy định về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
Cơ sở lý luận
Xét về mặt lý luận thì quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong TTDS được pháp luật quy định trước hết xuất phát từ mối quan hệ giữa lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân, từ mối quan hệ giữa công nhận và bảo đảm thực hiện các quyền và lợi ích của các chủ thể trong xã hội.
Việc nhà nước thừa nhận các quyền, lợi ích của các chủ thể là rất cần thiết, đảm bảo cho các chủ thể yên tâm sản xuất, góp phần ổn định các quan hệ xã hội, tạo điều kiện cho xã hội phát triển. Về nguyên tắc, mọi người phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của pháp luật, không được xâm phạm đến lợi ích chung của nhà nước, lợi ích chung của xã hội, quyền và lợi ích của người khác. Tuy vậy, trên thực tế, không phải ai cũng có được những nhận thức đúng đắn này, dẫn đến việc xâm phạm quyền và lợi ích của chủ thể khác. Do đó, nếu nhà nước chỉ công nhận các quyền và lợi ích cho các chủ thể cũng chưa đủ, cần phải có cơ chế pháp lý đảm bảo cho quyền đó được thực hiện trong thực tế. Một trong những cơ chế pháp lý đó là trao cho người có quyền và lợi ích bị xâm phạm hoặc người nhận thấy thực trạng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác đang bị xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích của mình hoặc của người khác.
Cơ sở thực tiễn
Trong khoa học pháp lý, quyền của chủ thế này là nghĩa vụ của chủ thể khác. Nếu các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ pháp luật thực hiện đúng, đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình thì sẽ đảm bảo cho quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi các bên trong QHPLDS tự giải quyết các xung đột thì nhiều trường hợp các mâu thuẫn, tranh chấp không thể được giải quyết. Do đó, yêu cầu đặt ra là nhà nước phải trao cho các chủ thể những phương tiện pháp lý cần thiết để chủ thể có quyền có thể tự bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình đồng thời thiết lập cơ chế giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích cho người có quyền và lợi ích bị xâm phạm. Tòa án là cơ quan xét xử, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Do đó, tòa án có quyền lực để buộc người vi phạm chấm dứt các hành vi trái pháp luật và khắc phục hậu quả để kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể.
Như vậy, thực tiễn ý thức pháp luật của các chủ thể và khả năng tự giải quyết các tranh chấp dân sự trong xã hội Việt Nam cho thấy việc pháp luật quy định quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự là cần thiết và đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa, ghi nhận và bảo đảm quyền con người trong TTDS trên cơ sở giải quyết hài hòa giữa việc ghi nhận quyền và nghĩa vụ của đương sự với việc ghi nhận các quyền và nghĩa vụ của Tòa án.
3. Ý nghĩa của quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
– Đối với đương sự
Việc pháp luật ghi nhận cho đương sự có quyền yêu cầu trong TTDS đã trao cho đương sự công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước các hành vi xâm phạm của các chủ thể khác thông qua việc tham gia tố tụng tại Tòa án. Về bản chất, việc thực hiện quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong TTDS là một trong những hình thức thực hiện quyền dân sự của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Dựa trên nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong TTDS, pháp luật trao cơ hội như nhau cho các đương sự trong VVDS với việc chứng minh, bảo vệ quyền lợi của mình. Điều này giúp cho đương sự chống lại sự thiếu trung thực, thiếu thiện chí của bên đối phương vì thực tế có nhiều trường hợp nguyên đơn cố tình đưa ra yêu cầu khởi kiện không đúng với thực tại khách quan nhằm gây ảnh hưởng xấu và xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên bị đơn.
Việc ghi nhận quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự còn giúp đương sự lựa chọn được một phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp và hiệu quả, đó là khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết đê bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, việc đương sự nắm rõ và chủ động trong việc thực hiện quyền yêu cầu của mình còn có ý nghĩa chống lại sự lạm quyền, thiên vi, sai sót từ cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.
– Đối với việc quản lý xã hội
Từ trước đến nay, khi xây dựng hệ thống pháp luật, Đảng và nhà nước ta luôn chú trọng đến quan điểm “Pháp huy dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiên, vừa là động lục của công cuộc đổi mới”.
Thông qua những quy định này, ý thức pháp luật của người dân trong xã hội về quyền TTDS được nâng cao. Khi quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị xâm hai, bản thân họ có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Người dân có thể tự nhận thức được quyền của mình cũng như tôn trọng các quyền của chủ thể khác thông qua các hoạt động tố tụng tại Tòa án. Khi kết quả người dân nhận được là một phán quyết khách quan, công tâm và chính xác thì đó chính là cơ sở để người dân có niềm tin vào pháp luật và sẽ coi pháp luật là công cụ hữu hiệu để bảo vệ mình khi quyền, lợi ích bị xâm phạm hoặc tranh chấp.
– Đối với cơ quan tiến hành tố tụng
Khi ghi nhận quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể là Tòa án có thẩm quyền xét xử có thể có được cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành các thủ tục tố tụng nhằm khôi phục những quyền lợi hợp pháp của chủ thể bị xâm phạm. Tòa án sẽ tự ý thức được trách nhiêm, bổn phận quan trọng của mình trong việc thực thi công lý, bảo vệ quyền lợi của người bị xâm phạm.
Hành vi khởi kiện hay hành vi yêu cầu giải quyết của cá nhân, cơ quan tổ chức là cơ sở pháp lý quan trọng để Tòa án thụ lý và giải quyết VVDS, là tiền đề quan trọng để cơ quan tố tụng thực hiện các hoạt động tố tụng tiếp theo. Tòa án sẽ xem xét, giải quyế vụ việc trên cơ sở các quy định của pháp luật và chứng cứ do hai bên cung cấp hoạc Tòa án tự thu thập với nguyên tắc xét xử công khai, khách quan, công bằng nên khả năng bảo đảm các quyền, lợi ích cho các bên là rất cao.
Nội dung nguyên tắc quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong TTDS
Nội dung của nguyên tắc này xác định các chủ thể có quyền, lợi ích bị xâm phạm có quyền yêu cầu tòa án bảo vệ theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định; trong trường hợp cần phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì các chủ thể khác theo quy định của pháp luật cũng có quyền yêu cầu tòa án bảo vệ; tòa án có nhiệm vụ xem xét giải quyết các yêu cầu của đương sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Trong BLTTDS 2015, nguyên tắc quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được quy định tại điều 4. Điều luật này đã quy định một số nội dung cơ bản của nguyên tắc, tạo cơ sở pháp lý cho các chủ thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ của họ.
1. Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
Quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự
Quan hệ pháp luật dân sự phát sinh và tồn tại trên cơ sở nguyên tắc tự định đoạt của đương sự. Do đó, Tòa án không thể tự mình đưa ra các tranh chấp dân sự hay các yêu cầu dân sự trong xã hội ra giải quyết mà quá trình TTDS chỉ được khởi động khi có yêu cầu của các chủ thể. Tùy vào tính chất vụ việc có tranh chấp hay không có tranh chấp mà yêu cầu của các chủ thể được thể hiện dưới một trong hai hình thức: đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu. Khoản 2 điều 5 BLTTDS năm 2015 quy định: “Tòa án chỉ thụ lý giải quyết VVDS khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự”.
Về chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu: để bảo đảm nguyên tắc quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, pháp luật TTDS nước ta trao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân quyền khởi kiên, yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Khoản 1 điều 4 BLTTDS 2015 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Các BLTTDS năm 2004 và BLTTDS sửa đổi bổ sung 2011 đều chưa từng nhắc đến quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân mà chỉ đề cấp đến quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Đây là điểm mới tiến bộ của BLTTDS 2015.
Việc khởi kiện VADS, điều 186, 187 BLTTDS 2015 quy định cụ thể về quyền này của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cụ thể: điều 186 quy định quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; điều 187 quy đinh về quyền khởi kiện VADS để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của nhà nước.
Về điều kiện khởi kiện VADS, yêu cầu giải quyết VDS: theo quy định của BLTTDS 2015, điều kiện khởi kiện VADS, yêu cầu giải quyết VDS bao gồm: (i) Người khởi kiện, người yêu cầu phải có quyền khởi kiện và có năng lực hành vi tố tụng dân sự, (ii) Vụ án đã đủ điều kiện khởi kiên, (iii) Sự việc chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định đã có hiệ lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, (iv) Người khởi kiện, người yêu cầu đã thực hiệ nghĩa vụ tạm ứng án phí theo quy định, (v) Người khởi kiện, người yêu cầu đã sửa, bổ sung đơn yêu cầu của Tòa án, (vi)Sự việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Theo quy định tại điều 192 và điều 365 BLTTDS 2015, trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức nộp đơn khởi kiện VADS, đơn yêu cầu giải quyết VDS không đáp ứng được mộ trong các điều kiện nêu trên thì Tòa an trả lại đơn cho người nộp đơn.
Về quyền thay đổi, bổ sung đơn kiện: sau khi khởi kiện đương sự đã khởi kiện có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của mình. Việc pháp luật cho phép đương sự được thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án.
Quyền phản đối yêu cầu của bị đơn; Quyền đưa ra yêu cầu, thay đổi, bổ sung yêu cầu của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Nếu như nguyên đơn yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình thông qua hành vi khởi kiện, sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện thì bị đơn có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thông qua hành vi phản đối yêu cầu của nguyên đơn và đưa ra yêu cầu phản tố, thay đổi bổ sung yêu cầu này. Điều 72 BLTTDS 2015 quy định, bị đơn có quyền:
– Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
– Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn. Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (khoản 3 điều 200).
Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, việc giải quyết VVDS cũng liên quan đến quyền, lợi ích của họ. Do vậy, họ phải có quyền đưa ra các yêu cầu để Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Điều 73 BLTTDS năm 2015 quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu độc lập. Khi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì có các quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn. Người có quyền nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên tòa họp kiểm tra giao nộp, tiếp nhận, công khai chứng cứ.
Quyền cung cấp chứng cứ cho Tòa án và yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ
Chứng cứ và chứng minh là hai vấn đề quan trọng của TTDS. Bản chất của VVDS có được làm sáng tỏ hay không, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có được bảo vệ chính đáng hay không phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động chứng minh nói chung và cung cấp chứng cứ nói riêng.
Để bảo đảm quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự có quyền cung cấp chứng cứ của đương sự trong mọi giai đoạn tố tụng. Tuy nhiên để đảm bảo cho chứng cứ được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng trong từng giai đoạn tố tụng, quyền này của đương sự phải đáp ứng một số điều kiện nhất định. Khoản 4 điều 96 BLTTDS 2015 quy định, thời hạn giao nộp tài liệu chứng cứ do thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết VDS theo quy định của bộ luật này.
Để đảm bảo quyền của đương sự trong việc cung cấp chứng cứ cho Tòa án, BLTTDS trao cho đương sự quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ. Cùng với đó, BLTTDS còn quy định trách nhiệm của cơ quan tổ chức lưu giữ, quản lý chứng cứ (khoản 1 điều 106).
Quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp kịp thời
Khoản 10 điều 70 BLTTDS 2015 quy định: “Đương sự có quyền đề nghị Tòa án quyết định áp dụng thay đổi hủy bộ biện pháp khẩn cấp tạm thời”. Cụ thể theo quy định Điều 111, trong giải quyết vụ án, đương sự có quyền yêu cầu tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại điều 112 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe tài sản thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
Trách nhiệm của Tòa án trong việc bảo đảm thực hiện quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
Tòa án không được từ chối thụ lý vụ án vì lý do chưa có điều luật để áp dụng
Khoản 2 điều 4 BLTTDS 2015 quy định: “Tòa án không được từ chối giải quyết VVDS vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” đây là một điểm mới của BLTTDS 2015. Theo quy định này thì VVDS chưa có điều luật để áp dụng là VVDS thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm VVDS đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng. Điều luật này cũng quy định, việc giải quyết VVDS chưa có điều luật để áp dụng được thực hiện theo các nguyên tắc do BLTTDS quy định.
Trách nhiệm của Tòa án trong việc nhận và xử lý đơn kiện
Cùng với việc quy định quyền khởi kiện, quyền yêu cầu Tòa án giải quyết VVDS, BLTTDS quy định chi tiết trách nhiệm nhận và xử lý đơn của Tòa án.
Theo quy định tại điều 191 BLTTDS 20125 thì: Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn; trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn. Sau khi vào sổ nhận đơn, tòa án có trách nhiệm cấp hoặc gửi giấy xác nhận đã nhận đơn cho người có đơn hoặc phải thông báo này việc nhận đơn cho người khởi kiện qua cổng thông tin điện tử của Tòa án trong trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức trực tuyến.
So với BLTTDS sửa đổi bổ sung năm 2011, có thể thấy BLTTDS 2015 quy định chặt chẽ hơn, chi tiết hơn về trách nhiệm của Tòa án trong việc nhận và xử lý đơn khởi kiện. Liên quan đến trách nhiệm này của Tòa án, BLTTDS sửa đổi bổ sung năm 2011 không quy định trách nhiệm cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho người gửi đơn đồng thời cũng không quy định thời hạn để Chánh án Tòa án phân công thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
Trách nhiệm thu thập tài liệu, chứng cứ khi đương sự có yêu cầu của Tòa án
Khoản 2, khoản 3 điều 106 BLTTDS quy định: trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết thu thập tài liệu, chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết VVDS đúng đắn. Trương hợp có yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án ta quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.
Để bảo đảm cho quyền này của đương sự được thực hiện hiệu quả trong thực tế, BLTTDS 2015 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ theo yêu cầu của Tòa án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, hết thời hạn này mà không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án thì cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Văn phòng Luật sư Hoàng Phát
(Bài viết này thuộc về Văn phòng Luật sư Hoàng Phát, vui lòng trích nguồn khi sử dụng. Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Mọi ý kiến thắc mắc về bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail luathoangphat@gmail.com.)
Bài viết cùng chủ đề
- Chính quyền quận Long Biên lạm dụng quyền ( cưỡng chế đất), phá nhà dân trước tết vì lợi ích nhóm
- "Quả bóng được đá qua nhiều sân" - Chính quyền huyện Đông Anh đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm
- Toà án tỉnh Phú Thọ tuyên phạt tù "chung thân" đối với Hoàng Thanh Hải phạm tội "Mua bán trái phép chất ma túy"
- Một số vấn đề Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung và làm rõ
- Phân biệt hộ gia đình theo quy định của Luật Đất đai và Luật Cư trú
- Tính lại thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự trong trường hợp thụ lý yêu cầu khởi kiện bổ sung