• Hotline: 0878198555
  • Email: luathoangphat@gmail.com

“Phân tích vai trò của Phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế trong hệ thống nguồn của luật quốc tế”


Khái quát về nguồn của luật quốc tế

Về pháp lý, nguồn của luật quốc tế là hình thức chứa đựng các quy phạm luật quốc tế. Việc viện dẫn, áp dụng các loại nguồn của luật quốc tế hiện vẫn tuân theo cách xác định truyền thống như khoản 1 Điều 38 Quy chế tòa án công lý quốc tế quy định, theo đó, luật quốc tế có hai loại là nguồn thanh văn và nguồn bất thành văn với nội dung chứa đựng các quy phạm luật quốc tế, trực tiếp điều chỉnh, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các chủ thể quan hệ pháp luật quốc tế.

Về tổng thể, hai dạng nguồn thành văn và bất thành văn như trên được chủ thể luật quốc tế viện dẫn, áp dụng khác với cách viện dẫn, áp dụng của luật quốc gia. Chẳng hạn, các chủ thể luật quốc tế có thể thỏa thuận trong việc viện dẫn đến nguồn nào trong số những điều ước mà các bên kết ước hiện là thành viên hoặc tập quán quốc tế hiện hành khi áp dụng giải quyết một quan hệ pháp luật quốc tế cụ thể phát sinh giữa các chủ thể đó, với điều kiện sự thỏa thuận này không làm ảnh hưởng đến lợi ích của bên thứ ba hoặc lợi ích của cộng đồng quốc tế…

Riêng loại hình các văn bản có hiệu lực bắt buộc do các cơ quan, thiết chế của tổ chức quốc tế ban hành, về pháp lý, có giá trị là luật quốc tế đối với phạm vi chủ thể chịu sự điều chỉnh của những văn bản này.

Các loại nguồn cơ bản của luật quốc tế phổ biến có thể kể đến là Điều ước quốc tế, Tập quán quốc tế. Bên cạnh đó còn một số nguồn bổ trợ khác như phán quyết của Tòa án công lý quốc tế Liên hợp quốc, Nghị quyết của tổ chức quốc tế liên chính phủ,…

Vai trò của Phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế trong hệ thống nguồn của luật quốc tế và ví dụ minh họa

Phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế là một loại nguồn bổ trợ, nó giữ một vai trò không nhỏ trong hệ thống nguồn của luật quốc tế, Cụ thể:

Phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế là một phương tiện hỗ trợ cho nguồn cơ bản

Do nhiều lý do khác nhau mà đôi khi các quy định của các Điều ước quốc tế còn mập mờ, chưa rõ ràng hoặc do Tập quán quốc tế là các quy định bất thành văn, khó xác định nội dung nên việc áp dụng các nguồn cơ bản này vào giải quyết tranh chấp quốc tế trong từng trường hợp cụ thể còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Trong tình huống này, các phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế đóng vai trò như một phương tiện hữu hiệu giải thích rõ ràng các quy phạm pháp luật quốc tế cũng như hướng dẫn áp dụng các quy phạm này trong trường hợp cụ thể, tạo tiền đề quan trọng để các chủ thể của luật quốc tế có cơ hội tiếp cận và giải thích luật quốc tế theo nghĩa chung thống nhất.

Ví dụ: Phán quyết của trọng tài Max Huber trong vụ Las Palmas đã đóng vai trò to lớn trong việc làm rõ vấn đề chủ quyền lãnh thổ và phương thức chiếm hữu lãnh thổ hợp pháp trong luật quốc tế hiện đại, sau đó được viện dân trong rất nhiều vụ quyết định giải quyết tranh chấp của Tòa có liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế có thể là nguồn gốc hình thành nguồn cơ bản, ảnh hưởng tích cực đến quá trình phát triển của luật quốc tế

Thông qua quá trình xét xử, thẩm phán dựa trên cơ sở thực tiễn của vụ việc và khả năng, kinh nghiệm trong quá trình thực thi, áp dụng pháp luật mà đưa ra phán quyết. Các phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế có thể chứa đựng quy phạm pháp lý quốc tế hoặc các quy tắc xử sự trong từng trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, vì mang tính thực tiễn cao và cụ thể, tạo nên định hướng giải quyết các các vụ án tương tự nên các thẩm phán hoàn toàn có thể viện dẫn phán quyết trước đó vào một vụ việc tương tự để giải quyết tranh chấp. Từ đây, các quy tắc xử sự chỉ có giá trị bắt buộc đối với các bên tranh chấp được áp dụng lâu dài, rộng rãi, được nhiều quốc gia thừa nhận dần dần trở thành Tập quán quốc tế hoặc hơn thế nếu được thỏa thuận, được kí kết giữa các quốc gia và được pháp luật quốc tế điều chỉnh thì nó sẽ trở thành các Điều ước quốc tế mới. Như vậy từ nguồn bổ trở, các phán quyết đã trở thành nguồn cơ bản trong hệ thống pháp luật quốc tế, góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật quốc tế.

Ví dụ: Phán quyết của tòa án quốc tế trong vụ giải quyết tranh chấp ngư trường Anh – Nauy. Từ phán quyết này của tòa án, rất nhiều quốc gia có đường bờ biển khúc khuỷu như của Nauy đã áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng để xác định các vùng biển của quốc gia mình.  Như vậy, ban đầu phán quyết này của tòa án quốc tế chỉ có giá trị bắt buộc đối với các bên tranh chấp, nhưng sau đó nó được sử dụng rộng rãi được ghi nhận trở thành tập quán quốc tế và được cộng đồng quốc tế thừa nhận trong Công ước Luật Biển năm 1982.

Phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế có ảnh hưởng tích cực đến quá trình nhận thức của các chủ thể về luật quốc tế

Các phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế có thể được coi như cái nhìn tổng quan cho cả vụ việc, từ đó phần nào chỉ ra như thế nào là xử sự đúng hay như thế nào là làm trái các quy phạm pháp luật quốc tế, giải thích rõ ràng, cụ thể hóa nhất hay thống nhất cách hiểu các quy phạm pháp luật quốc tế. Dựa vào đó, các chủ thể luật quốc tế sẽ có những nhận thức nhất định, hiểu rõ các hành vi vi phạm pháp luật, rồi điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp. Các phán quyết không chỉ giúp các chủ thể luật quốc tế nhận thức về các hành vi, mà còn nâng cao sự hiểu biết của mình về khoa học pháp luật quốc tế, qua đó giảm thiểu được các hành vi vi phạm, mẫu thuẫn xảy ra do sự thiếu hiểu biết pháp luật.

Ví dụ: Trong tranh chấp thềm lục địa Biển Bắc giữa Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Tòa án Quốc tế khẳng định “một quy tắc có thể được công nhận là tập quán ngay khi có sự thừa nhận của những đại diện, miễn sao bao gồm cả những quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc áp dụng quy tắc đó”. Ngược lại, nếu một quốc gia không thừa nhận áp dụng không có nghĩa là quy tắc này sẽ không có giá trị ràng buộc đối với quốc gia đó, hay nói theo cách khác đó là các quốc gia không cần thiết phải chính thức hoặc ngầm thừa nhận bị ràng buộc vào quy tắc tập quán. Từ đó đưa ra phán quyết: “Việc sử dụng các phương pháp phân định Equidistance là không bắt buộc giữa các bên”. Như vậy, phán quyết của Tòa án quốc tế trong ví dụ này đã làm rõ việc áp dụng một nguyên tắc, tập quán,… giữa các quốc gia được xác định như thế nào, giảm thiểu mẫu thuẫn giữa các quốc gia về vấn đề này trong tương lai.

Các chủ thể luật quốc tế có thể viện dẫn Phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế để xác định trách nhiệm của các chủ thể có liên quan

Mỗi phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế đều có giá trị bắt buộc đối với các bên có liên quan và có thể được coi là luật quốc tế đối với phạm vi chủ thể chịu sự điều chỉnh của những phán quyết đó. Như vậy, các chủ thể có liên quan đến phán quyết có thể viện dẫn phán quyết của cơ quan tài phán như “một loại luật” để xác định trách nhiệm và yêu cầu bên còn lại thực hiện nghĩa vụ của mình được ghi nhận trong phán quyết.

Ví dụ: Phán quyết của Tòa ICJ năm 1962 về tranh chấp liên quan đến đền Preah Vihear giữa Thái Lan và Campuchia. Mâu thuẫn này khiến tại đây diễn ra nhiều cuộc đụng độ giữa quân đội hai nước, làm hàng chục người thiệt mạng và khiến người dân khu vực biên giới nhiều lần phải sơ tán để tránh thương vong. ICJ phán quyết đền Preah Vihear thuộc và Campuchia và kêu gọi hai quốc gia hợp tác bảo vệ ngôi đền. Campuchia có thể viện dẫn phán quyết này và yêu cầu Thái Lan phải dừng hành vi khẳng định ngôi đền Preah Vihear thuộc về mình nếu có tranh chấp xảy ra.

Văn phòng Luật sư Hoàng Phát

(Bài viết này thuộc về Văn phòng Luật sư Hoàng Phát, vui lòng trích nguồn khi sử dụng. Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Mọi ý kiến thắc mắc về bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail luathoangphat@gmail.com.)

DỊCH VỤ NỔI BẬT

Zalo Phone Messenger