• Hotline: 0878198555
  • Email: luathoangphat@gmail.com

Căn cứ ly hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành


Căn cứ ly hôn là những tình tiết (điều kiện) được quy định trong pháp luật và chỉ khi có những tình tiết (điều kiện) đó, Tòa án mới được (quyết định) xử cho ly hôn.

Hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình của Nhà nước ta từ năm 1945 đến nay đã quy định căn cứ ly hôn ngày càng hoàn thiện, phù hợp, là cơ sở pháp lý để Tòa án giải quyết các án kiện ly hôn. Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam không quy định những căn cứ ly hôn riêng biệt mà quy định căn cứ ly hôn chung nhất, dựa vào bản chất của quan hệ hôn nhân đã tan vỡ. 

Hiện tại, có hai quan điểm về nhận diện và áp dụng nội dung căn cứ ly hôn theo Luật HNGĐ năm 2014:

Thứ nhất, khi Tòa án giải quyết ly hôn, tùy từng trường hợp (thuận tình ly hôn hoặc một bên vợ, chồng yêu cầu ly hôn) để áp dụng căn cứ ly hôn cụ thể (vì có đến 04 căn cứ ly hôn theo luật định). Trường hợp hai vợ chồng thuận tình ly hôn (Điều 55), nếu hòa giải không thành hoặc “nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc chăm nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con” thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn. Trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ, chồng (Điều 56), nếu hòa giải không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn, gồm 3 trường hợp: nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa cụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được; trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn; trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Thứ hai, dù vợ hoặc chồng có yêu cầu ly hôn hay hai vợ chồng thuận tình ly hôn với bất kì lý do, nguyên nhân, động cơ nào, nếu hòa giải không thành thì Tòa án cũng chỉ được giải quyết cho vợ chồng ly hôn nếu xét thấy hôn nhân đã lâm vào “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”. Nghĩa là, cho dù vợ chồng đã thực sự tự nguyện ly hôn, hoặc một bên vợ, chồng yêu cầu ly hôn do chồng, vợ bị tuyên bố mất tích,… thì Tòa án cũng chỉ được giải quyết cho ly hôn nếu xét thấy hôn nhân đã làm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”.

Như vậy, trong mọi trường hợp ly hôn, dù ly hôn do một bên vợ, chồng yêu cầu hay hai vợ chồng thuận tình ly hôn, Tòa án nhân dân đều phải tiến hành điều tra và hòa giải, giúp vợ chồng giải quyết xung đột, mâu thuẫn nhằm bảo vệ lợi ích của gia đình, vợ chồng đoàn tụ hạnh phúc, chỉ khi nào xét thấy quan hệ vợ chồng đã thực sự mâu thuẫn sâu sắc, tình cảm thương yêu, gắn bó đã hết, không còn mong muôn sống chung và quan hệ vợ chồng đã đến mức “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” thì Tòa án mới giải quyết cho ly hôn. Đó là nội dung chủ yếu và phổ biến của căn cứ ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam.

(Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng trích nguồn khi sử dụng. Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Mọi ý kiến thắc mắc về bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail luathoangphat@gmail.com.)

DỊCH VỤ NỔI BẬT

Zalo Phone Messenger