Hành vi của Cường đã cấu thành tội phạm hay chưa ?
Tối 1/3/2020, Công an bắt đối tượng Bảo về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, khám xét nhà ở của Bảo phát hiện có thêm cây súng bút và 10 viên đạn. Cơ quan giám định kết luận cây súng bút là vũ khí được chế tác thủ công, có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng và thuộc danh mục vũ khí quân dụng. Đối với 10 viên đạn bằng kim loại là đạn thể thao.
Tại Cơ quan điều tra, Bảo khai nhận: Khoảng 00 giờ ngày 1/3/2020, Ánh đưa cho Bảo cây súng bút và 10 viên đạn, nhờ Bảo bán dùm. Bảo đồng ý. Bảo nhớ trước đó có lần Cường nhờ Bảo mua súng để phòng thân, nên Bảo nhắn tin qua zalo cho Cường.
Bảo nhắn: Có súng bút anh lấy không? Cường trả lời: Súng bút à, chụp cho anh xem nào. Bảo gửi cho Cường đoạn video có hình cây súng bút. Cường nhắn: Mai tính. Hỏi nó bao nhiêu.
Bảo trả lời: 1,8 triệu. Cường nhắn: Sợ bị nó gạt thôi. Khoái cây súng đó quá, nhất định sẽ mua. Mai mua luôn.
Lúc 8 giờ sáng, Bảo nhắn tin cho Cường: Anh đến em chưa? Cường nhắn lại là: Vừa ngủ dậy, chưa đi được.
Ngày hôm đó Cường không đến nhà Bảo mua súng. Đến tối hôm sau, Cường đi ngang qua nhà Bảo thấy Bảo bị Công an bắt (vì tàng trữ trái phép chất ma túy).
Tại cơ quan điều tra, Cường khai nếu Bảo không bị bắt thì Cường cũng không mua súng, vì không có tiền. Bảo khai vì chỉ bán giúp bạn nên không mang súng sang nhà Cường.
Về xác định trách nhiệm của Cường hiện có hai quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Cường phạm tội Mua bán trái phép vũ khí quân dụng, quy định tại khoản 1 Điều 304 của BLHS. Bởi lẽ Bảo và Cường đã có hành vi trao đổi, thống nhất về việc mua bán cây súng bút với giá 1,8 triệu đồng. Bảo và Cường cũng thống nhất về địa điểm giao tiền, giao súng là nhà Bảo… Việc hai bên chưa thực hiện được việc giao tiền nhận súng là nằm ngoài ý muốn. Hành vi của Bảo cấu thành tội Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng; hành vi của Cường cấu thành tội Mua bán trái phép vũ khí quân dụng.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Cường không phạm tội.
Mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự quy định tại khoản 1 Điều 304 của BLHS là các hành vi mua bán vũ khí không có giấy phép hoặc không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chỉ cần có một trong hai hành vi đó người phạm tội cũng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi mua là dùng tiền để đổi lấy vật (cây súng bút) và hành vi bán là dùng vật (cây súng bút) để đổi lấy tiền, tội phạm hoàn thành khi thực hiện xong hành vi giao tiền, chuyển tiền hoặc vật chất khác có giá trị và đã nhận vật (cây súng bút).
Trong trường hợp này Bảo và Cường đã trao đổi về việc mua bán cây súng bút và thống nhất hôm sau Cường sang nhà Bảo nhưng thực tế là Cường không thực hiện việc đã bàn. Cụ thể là cả ngày hôm đó và ngày hôm sau Cường không đến nhà Bảo, cũng không chuyển tiền, không nhận vũ khí, không nhắn lại là sẽ mua súng, do đó hành vi khách quan của Cường chưa cấu thành tội phạm theo khoản 2 Điều 157 BLTTHS.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc gần xa.
Tòa án tỉnh Phú Yên xét xử vụ án Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng – Ảnh: Trình Kế
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử
Bài viết cùng chủ đề
- Phân biệt tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác "dẫn đến chết người" và tội giết người theo Bộ luật Hình sự 2015 (SĐBS 2017)
- Tranh cãi đòi nhà giữa mẹ chồng và nàng dâu khi 'không thể sống chung'
- 5 loại đất không giấy tờ sẽ được cấp sổ đỏ từ 2025
- Một mảnh đất của xã Nguyên Khê, nhưng được Thị trấn huyện Đông Anh phù phép cấp sổ đỏ bằng hồ sơ photo cho nhiều đối tượng lạ mặt.
- Bản án quá bất công cho cụ già 90 tuổi, Luật sư bảo vệ công lý trọng lượng được bao nhiêu?
- Nhiều cơ quan gửi đơn xin giảm nhẹ cho cựu Giám đốc Công an Đỗ Hữu Ca
- Vi phạm, khuyết điểm của ông Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước
- Chuẩn bị xét xử vụ cựu Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Đỗ Anh Dũng và 14 đồng phạm
- Vì sao ba lãnh đạo Sen Tài Thu bị cáo buộc lừa nghìn tỷ đồng?
- Những điểm đặc biệt trong tố tụng "đại án" Vạn Thịnh Phát