• Hotline: 0878198555
  • Email: luathoangphat@gmail.com

Phân biệt “Khiếu nại” và “Tố cáo”


Quyền khiếu nại, quyền tố cáo là những quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận và đảm bảo thực hiện thông qua hai đạo luật chủ yếu: Luật Khiếu nại năm 2011 và Luật Tố cáo năm 2018. Đây là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng giúp người dân thuận tiện trong việc thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo. Đồng thời giúp cơ quan hành chính nhà nước và những người có trách nhiệm có thể tiến hành xử lý các vụ việc theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền mà pháp luật quy định.

Phân biệt khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại với tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo

Trên thực tiễn, việc phân định giữa khiếu nại và tố cáo là công việc không hề dễ dàng. Sự khác biệt có thể do nhiều nguyên nhân, từ các quy định của pháp luật chứng ta có thể đưa ra một số tiêu chí để có thể phân biệt giữa khiếu nại và tố cáo, cụ thể:

1. Khái niệm

*Khiếu nại

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011, khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

*Tố cáo

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018, tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gồm: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

2. Nguyên tắc

Theo Điều 4 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định về nguyên tắc khiếu nại và giải quyết khiếu nại, việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại phải được thực hiện theo quy định của pháp luật, bảo đảm khách quan, công khai, dân chủ và kịp thời.

Còn theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018 về nguyên tắc giải quyết tố cáo, bên cạnh nguyên tắc kịp thời, chính xác, khách quan, tuân theo quy định của pháp luật, thì còn phải đảm bảo một nguyên tắc nữa đó là đảm bảo an toàn cho người tố cáo, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.

Sự khác biệt về nguyên tắc này là bởi vì đối tượng của tố cáo là các hành vi vi phạm pháp luật hoặc đe dọa gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác liên quan, nên chủ thể thực hiện tố cáo có thể sẽ phải đứng trước nhiều mối đe dọa (như bị trù dập, trả thù,…), vì thế phải bảo đảm an toàn cho người tố cáo. Bên cạnh đó, theo nguyên tắc “suy đoán vô tội”, trước khi có kết luận nội dung tố cáo, người bị tố cáo vẫn được xem là vô tội và phải được đảm bảo mọi quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

3. Chủ thể có quyền

Theo quy định của Luật Khiếu nại, chủ thể có quyền khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức. Trong đó: Công dân thực hiện quyền khiếu nại phải là người có năng lực hành vi đầy đủ. Công dân là người chưa thành niên, người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì thông qua người đại diện theo pháp luật để thực hiện quyền khiếu nại. Người ốm đau, già yếu, người có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì có thể ủy quyền cho người đại diện là cha, mẹ, vợ, chồng,…; Cơ quan thực hiện quyền khiếu nại thông qua người đại diện là thủ trưởng cơ quan đó; Tổ chức thực hiện quyền khiếu nại thông qua người đại diện là người đứng đầu tổ chức đó được quy định trong quyết định thành lập hoặc trong điều lệ của tổ chức. Bên cạnh đó, các cá nhân, tổ chức nước ngoài cũng được hưởng quyền khiếu nại.

Theo quy định của Luật Tố cáo, chủ thể có quyền tố cáo chỉ là cá nhân, tức là gồm công dân và người nước ngoài.

Như vậy có thể thấy, chủ thể có quyền khiếu nại rộng hơn chủ thể có quyền tố cáo, vì ngoài cá nhân còn có các cơ quan, tổ chức.

Bản chất của khiếu nại là hoạt động nhằm bảo vệ hoặc khôi phục các quyền hoặc lợi ích của chính chủ thể khiếu nại khi bị xâm phạm. Bản chất của tố cáo là hành động nhằm bảo vệ và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Chủ thể tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo. Vì vậy, quy định chỉ cá nhân được thực hiện quyền tố cáo nhằm cá thể hóa trách nhiệm của người tố cáo, nếu có hành vi cố ý tố cáo sai sự thật thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Mục đích

Mục đích của khiếu nại là bảo vệ và khôi phục những quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khiếu nại khi bị xâm hại bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hoặc người có thẩm quyền. Hay nói theo cách khác, khiếu nại là công cụ bảo vệ và khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên, mục đích của tố cáo không chỉ dừng ở việc bảo vệ và khôi phục quyền và lợi ích của người tố cáo mà cao hơn thế là bảo vệ lợi ích của Nhà nước, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước vững về chính trị, giỏi về chuyên môn để “chí công, vô tư” trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ nhà nước.

5. Đối tượng

Đối tượng của khiếu nại là các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức. Còn đối tượng của tố cáo rộng hơn đối tượng của khiếu nại rất nhiều, gồm: hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực).

Xuất phát từ sự khác biệt về mục đích không chỉ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể có quyền mà cao hơn là lợi ích Nhà nước nên đối tượng của tố cáo rộng hơn khiếu nại, cá nhân có quyền tố cáo mọi hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

6. Thời hiệu

Theo quy định của Luật Khiếu nại, thời hiệu khiếu nại được quy định rõ ràng với từng đối tượng, ví dụ:

– Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính;

– Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 15 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định kỷ luật;

– Thời hiệu khiếu nại lần hai là 10 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

Tuy nhiên, trong Luật Tố cáo, không có quy định về thời hiệu tố cáo.

Giải thích cho sự khác biệt này là bởi để tránh xung đột pháp luật. Do thời hiệu xử lý đối với mỗi loại hành vi vi phạm pháp luật trong từng lĩnh vực đã được quy định rõ ràng trong luật chuyên ngành. Nếu quy định thời hiệu tố cáo, thì cùng một hành vi vi phạm nếu bị tố cáo sẽ áp dụng thời hiệu theo Luật Tố cáo, nếu không bị tố cáo thì lại áp dụng theo thời hiệu thông thường. Một hành vi áp dụng thời hiệu khác nhau sẽ dẫn đến rối loạn hệ thống khi triển khai thực hiện. Hơn nữa, với tính “nhạy cảm” của tố cáo khiến chủ thể tố cáo đứng trước nhiều mối đe dọa nên không thể buộc từng cá nhân phải xác định xem có còn thời hiệu trước khi quyết định thực hiện quyền tố cáo.

7. Thái độ xử lý

Bởi bản chất chủ thể thực hiện khiếu nại là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính bản thân mình và không phải chịu trách nhiệm về những khiếu nại của mình. Tuy nhiên chủ thể thực hiện tố cáo thì là để cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát giác ra những hành vi vi phạm pháp luật hay đe dọa gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của các chủ thể khác có liên quan, thể hiện trách nhiệm của công dân đối với xã hội, góp phần bảo vệ pháp luật, ngăn chặn và xử lý các vi phạm. Chính vì thế, không đặt ra vấn đề khuyến khích khi khiếu nại, nhưng đối với tố cáo thì có. Người tố cáo trung thực, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật (Điều 62 Luật Tố cáo năm 2018).

Những căn cứ nêu trên không chỉ làm rõ sự khác nhau của khiếu nại và tố cáo mà còn nhấn mạnh đến bản chất và ý nghĩa của nó. Hai khái niệm có sự liên quan chặt chẽ đến các quyền chính trị và quyền cơ bản khác của công dân. Sự phân biệt này góp phần quan trọng trong việc xây dựng cơ chế, thiết chế thực hiện quyền công dân và cũng là cơ sở để cá thể hóa trách nhiệm, dựa vào đó chúng ta xác định thẩm quyền và xây dựng trình tự giải quyết khiếu nại dần đơn giản, gọn nhẹ, nhanh chóng, tiết kiệm, hợp lý và đạt được hiệu quả cao hơn.

(Bài viết này thuộc về Văn phòng Luật sư Hoàng Phát, vui lòng trích nguồn khi sử dụng. Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Mọi ý kiến thắc mắc về bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail luathoangphat@gmail.com.)

DỊCH VỤ NỔI BẬT

Zalo Phone Messenger